TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

CHĂM SÓC VÀ HỖ TRỢ TRỊ LIỆU TRẺ TĂNG ĐỘNG – DIỆN CHẨN ĐƠN GIẢN MÀ DIỆU KỲ (4)

cham-soc-va-ho-tro-tri-lieu-tre-tang-dong-dien-chan

    Chăm sóc và hỗ trợ trị liệu cho Trẻ Tăng Động bằng phương pháp Diện Chẩn ĐKLP Bùi Quốc Châu như thế nào?

    Đây là câu hỏi mà chúng tôi thường nhận được qua điện thoại hoặc tin nhắn, từ các bậc Phụ Huynh có con em mắc hội chứng này. Để có thể giúp đỡ được phần nào những gia đình ở xa, không đến tham dự được những buổi sinh hoạt chuyên đề Hỗ Trợ Trẻ Rối Loạn Phát Triển (RLPT)/Tự Kỷ vào chiều thứ 6 hàng tuần tại Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu, trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một phương thức tổng quát, đạt hiệu quả tốt trong việc chăm sóc và hỗ trợ trị liệu cho nhóm Trẻ Tăng Động bằng ứng dụng từ các công trình phát minh của GS.TSKH Bùi Quốc Châu.
    Bên cạnh những phương pháp chăm sóc Trẻ RLPT phổ biến hiện nay trên thế giới như Can Thiệp Tâm Vận Động, Trị Liệu Ngôn Ngữ, Vận Động Phức Hợp, cho đến dùng Oxy Cao Áp, hoặc dùng thuốc an thần hỗ trợ…, giờ đây, chúng ta còn có thêm một phương pháp hỗ trợ rất hiệu quả, an toàn, chủ động và mang giá trị đặc thù của Văn Hóa Việt Nam.

    Như Quý Vị và Các Bạn đã biết, quy luật Âm Dương chi phối mọi sự vận động của vũ trụ vạn vật, từ những sự vật, hiện tượng nhỏ nhất trong đời sống đều tuân theo quy luật này. Một cách khái quát, khi mọi sự ở trạng thái cân bằng tương đối thì được coi là bình thường và phát triển tốt, ngược lại, nếu quá nghiêng lệch về phía nào (thừa/thiếu Dương hoặc thừa/thiếu Âm) thì đều bất ổn. Với trường hợp Trẻ Tăng Động Giảm Chú Ý (#ADHD) – một hiện tượng phổ biến trong Hội Chứng Rối Loạn Phát Triển Phổ Tự Kỷ (#Autism), các biểu hiện của Trẻ thường mang đặc tính Thừa Dương (nóng nảy, bứt rứt, la hét, hiếu động quá mức bình thường, khó tập trung, thậm chí có cơn co giật… Các Bạn tham khảo thêm về triệu chứng Tăng Động tại các bài viết chuyên khoa trên internet). Như vậy, thuận theo quy luật tự nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu mà chúng ta cần lưu ý là làm sao giúp Trẻ trở về trạng thái Cân Bằng tương đối.

    Qua quá trình nghiên cứu các phát minh của Thầy Bùi Quốc Châu và ứng dụng trong nhiều trường hợp của hội chứng này, chúng tôi nhận thấy, việc tác động trên bề mặt da khắp cơ thể của Trẻ, đặc biệt là vùng đầu, mặt, lưng bằng những kỹ thuật Diện Chẩn phù hợp (cụ thể trong tình huống này là những thao tác làm giảm tính Dương), đã đem lại những kết quả cải thiện rõ rệt và rất bất ngờ, đối với nhiều Trẻ, ngay trong những lần tác động đầu tiên đã thấy giảm các triệu chứng bứt rứt, nóng nảy, thậm chí giảm các cơn co giật (nếu có), dần dần cải thiện khả năng tập trung chú ý, giúp Trẻ tăng sự tương tác với người khác, khiến việc tiếp nhận những liệu pháp Can Thiệp Tâm Lý đạt hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Những kỹ thuật này được dựa trên các nguyên lý căn bản của phương pháp Diện Chẩn ĐKLP Bùi Quốc Châu, đặc biệt là các nguyên lý Phản Chiếu, Đồng Ứng và Phản Xạ Thần Kinh Đa Chiều Trên Da, bên cạnh đó, phải kể đến sự hỗ trợ quan trọng của các Dụng Cụ Diện Chẩn cùng kỹ thuật đặc thù.

    Gợi ý về một quy trình chăm sóc chung và hỗ trợ trị liệu cho Trẻ Tăng Động như sau:

    Xoa bóp (massage) nhẹ nhàng: đây là những thao tác chăm sóc nền tảng rất quan trọng, kỹ thuật lại không phức tạp, giúp cho Người Chăm Sóc (NCS) Trẻ có thể thực hiện dễ dàng và lặp lại nhiều lần trong ngày. Những vùng cần massage cho Trẻ Tăng Động bao gồm Trán, Đầu, Gáy, dọc Cột Sống, Mông, lòng Bàn Tay và lòng Bàn Chân (đây là những vùng phản chiếu hoặc có liên hệ trực tiếp tới Não bộ), đối với những Trẻ bị thiểu năng về vận động thì có thể tác động thêm các Khớp Vai, Háng, Kheo Tay, Kheo Chân, Cổ Tay, Cổ Chân.
    – Trong những ngày đầu, chúng ta có thể dùng bàn tay, chủ yếu là các đầu ngón tay chà xát, xoa nắn hết sức êm ái, nhẹ nhàng (nhẹ và êm thuộc tính Âm, nhằm làm giảm tính Dương) cho Trẻ quen dần.
    – Khi Trẻ đã quen và hợp tác với việc massage, chúng ta có thể dùng dụng cụ cùng kỹ thuật phù hợp để tác động được hiệu quả hơn và đỡ vất vả hơn cho NSC: Chà bằng Con Nhện Nhỏ trên trán, đầu, gáy, Chà bằng Con Nhện Lớn trên lưng, mông; dùng Lăn Đinh inox lăn nhẹ khắp mặt, lưng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, một số trường hợp Trẻ có thể tạng quá nóng, có thể dùng lăn đồng láng lăn trên mặt giúp làm mát nhanh, Trẻ sẽ rất dễ chịu.
    – Những thao tác massage này, NCS nên làm từ 2-5 lần/ngày cho Trẻ, từ 2-5 phút/vùng, hoặc bất kỳ lúc nào ở gần Trẻ đều có thể tùy tình hình mà tác động vào những vùng thuận tiện, chứ không cần phải sắp xếp thành những buổi trị liệu đầy đủ (ví dụ: khi ngồi chơi với Trẻ có thể xoa đầu, gãi chẩm gáy, xoa lòng bàn tay, chân hoặc dạy Trẻ những trò chơi đập tay, vỗ tay…), nhưng trong 1 ngày, ít nhất cần có 2 lần thao tác đầy đủ các vùng như trên.

     Lưu ý: mọi tác động đối với Trẻ Tăng Động đều cần hết sức nhẹ nhàng, không gượng ép, làm sao cho Trẻ thấy dễ chịu, thích thú hoặc ngủ thiếp đi trong khi massage thì càng tốt. Rất cần sự Kiên Nhẫn, đặc biệt trong những ngày đầu. Trẻ Tăng Động thường có thể trạng thiên về Dương, nóng, nhưng cũng có một số trường hợp đặc biệt Trẻ lại bị lạnh, nhất là ở bàn tay, bàn chân, thì trong khi massage, NCS có thể kết hợp thêm sấy ấm bằng máy sấy tóc hoặc hơ ấm bằng ngải cứu (nếu đã thạo kỹ thuật Hơ).

    Bộ huyệt gợi ý:

    – Day ấn nhẹ bộ huyệt Chống Nghẽn Nghẹt: 19,14,275,61,39,85,87. (Hình 1a, 1b).

    Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc ChâuDiện Chẩn Bùi Quốc Châu
    – Day ấn nhẹ bộ huyệt Bồi Bổ Não: 126,300,103,175,197,125,124,34,65,26,8,1,50,37,63,7,113,17,127,22,0. (Hình 2a, 2b)

    Diện Chẩn Bùi Quốc ChâuDiện Chẩn Bùi Quốc Châu

    Lưu ý: nên dùng đầu day huyệt của dụng cụ Dò Day, hoặc đầu 1 của dụng cụ Sao Chổi, hoặc cũng có thể dùng đầu ngón tay, day ấn mỗi huyệt khoảng 10-20s, lặp lại 2-3 vòng, 1-2 lần/ngày. Thường thì với Trẻ Tăng Động không nên dán cao salonpas vào huyệt, nhưng trong trường hợp Trẻ có thể tạng lạnh thì có thể dán cao (lưu cao tối thiểu 60 phút, tối đa có thể để qua đêm). Nếu Trẻ thấy nóng rát khó chịu thì không nên dán cao nữa.

    Một số điều cần lưu ý:

    – Không nên đánh, mắng, to tiếng đối với Trẻ, nhưng cần có kỷ luật một cách nhẹ nhàng và cương quyết, kiên nhẫn.
    – Hạn chế tối đa việc giao tiếp một chiều đối với Trẻ như xem tivi, chơi điện thoại… , đặc biệt không được xem phim bạo lực, kinh dị hoặc có nội dung kích thích mạnh.
    – Tăng cường giao tiếp hai chiều (hỏi/đáp).
    – Trong khi chăm sóc và hỗ trợ trị liệu, nên cho Trẻ nghe nhạc êm dịu, thư giãn, nếu có thể ngủ thiếp đi được thì rất tốt.
    – Hạn chế ăn thực phẩm chiên, xào, nướng, đồ hộp. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây nhiều vitamin A, C, D, E (cà rốt, bí đỏ, xúp lơ, táo, bưởi…)

    Chúc Quý Vị và Các Bạn thực hiện hiệu quả, tự chăm sóc được tốt cho Con Cháu mình! 26❤60..!
    P/s: Nếu các Bạn thấy bài viết hữu ích thì có thể chia sẻ cho nhiều người cùng tham khảo.

    Tác giả: Thầy Huỳnh Tâm Bình

    5/5 - (3 bình chọn)