TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

DIỆN CHẨN HỖ TRỢ GIẢM ĐAU ĐẦU

    Đau đầu là một chứng bệnh rất hay gặp ở nhiều người. Những con số thống kê cho thấy khoảng 50 % người trưởng thành đã từng gặp những cơn đau đầu trong cuộc sống hàng ngày. Tình trạng đau đầu có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cũng có thể đây là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau, và là dấu hiệu của trường hợp nguy hiểm liên quan đến não như u não, viêm não, có cục máu đông trong mạch máu não… Quý vị hãy cùng xem bài viết này để có thêm thông tin về trường hợp đau đầu và cách sử dụng Diện Chẩn hỗ trợ giảm đau đầu.

    Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến đau đầu như sau:

    Thứ nhất là đau đầu nguyên phát:
    – Bệnh đau nửa đầu
    – Thiếu máu lên não, thiểu năng tuần hoàn máu não
    – Não bị chèn ép do khối u, do xuất huyết
    – Do căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi
    – Ngủ không đủ giấc, mất ngủ
    Thứ hai là nhóm nguyên nhân thứ phát, do những bệnh khác dẫn đến đau đầu:
    – Nhóm bệnh về tim mạch, huyết áp không ổn định
    – Nhóm bệnh về xương khớp: Thoái hóa đốt sống cổ
    – Nhóm bệnh tai mũi họng: viêm xoang, viêm tai…
    – Nhóm bệnh tiêu hóa: táo bón, tiêu chảy
    – Cơ địa lạnh, hay bị cảm lạnh

    Những triệu chứng khi bị đau đầu:

    Xuất hiện những cơn đau với nhiều mức độ khác nhau: từ đau âm ỉ, nhức một bên hay toàn đầu, đau dữ dội như búa bổ, đau theo nhịp đập của mạch máu, đau đầu kèm theo cảm giác nhức ổ mắt, hoa mắt, chóng mặt thậm chí buồn nôn.
    *Những dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý khi bị đau đầu:
    Thông thường những cơn đau đầu có thể sẽ giảm dần và biến mất sau một thời gian. Nhưng nếu thấy xuất hiện những biểu hiện sau thì nên đi khám ngay:
    – Đau đầu có kèm theo choáng váng, mờ mắt, buồn nôn, tay chân yếu
    – Co giật, mất nhận thức, ngất xỉu
    – Tình trạng đau đầu xuất hiện liên tục và kéo dài

    Ngoài những cách thông thường, quý vị có thể áp dụng phương pháp Diện Chẩn để hỗ trợ giảm đau đầu đối với những trường hợp không quá nghiêm trọng, tuy nhiên cần phải lưu ý thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến bệnh.

    Các bước làm như sau:
    – Dùng 10 đầu ngón tay miết da đầu từ sát chân tóc trán ra sau gáy, miết với lực vừa phải sao cho cảm thấy dễ chịu, số lượng 100-200 cái, thực hiện 1-2 lần/ngày.
    – Dùng Que Dò hoặc vật cứng, trơn nhẵn gạch khắp toàn bộ vùng mặt và đầu với lực vừa phải, thực hiện 1-3 lần/ngày.
    – Vê toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân, nếu thấy điểm nào đau nhói thì day vào điểm đó cho đến khi bớt đau nhói. Thực hiện 1-3 lần/ngày.
    – Dùng đầu ngón tay miết và day các vị trí: đầu lông mày, đuôi lông mày, vùng Ấn Đường (giữa 2 đầu lông mày), mỗi điểm khoảng 10-30 giây. Thực hiện 1-3 lần/ngày.
    – Dùng Que Dò day ấn, dán cao salonpas các huyệt sau [hình 1]: 103, 50, 106, 41, 51, 26, 87, 156, 0. Để cao salonpas khoảng từ 2-3 tiếng sau đó bóc ra. Nếu dán vào buổi tối có thể để qua đêm.

    bo-huyet-dien-chan-giam-dau-dau

    Hình 1: Bộ huyệt Diện Chẩn giảm đau đầu

    Một số lưu ý về thói quen ăn uống sinh hoạt:

    – Hạn chế tắm muộn, nên sấy ấm người ngay sau khi tắm
    – Hạn chế sử dụng các chất gây kích thích thần kinh: rượu, bia, thuốc lá, cà-phê…
    – Có chế độ ăn uống điều độ: hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo, nên ăn rau xanh, trái cây (đặc biệt những loại thực phẩm có hình dáng giống bộ não như: hạt óc chó, rau súp-lơ…)

    5/5 - (12 bình chọn)