TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

HẾT NGHẸT MŨI BẰNG PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN BÙI QUỐC CHÂU

    VIDEO hỗ trợ TỰ XỬ LÝ VIÊM MŨI, SỔ MŨI

     

    VIDEO xử lý VIÊM XOANG bằng Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

    Nghẹt mũi là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Bệnh không quá nghiêm trọng nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí gây viêm mũi, viêm xoang, ù tai, thiếu ô-xi dẫn đến cơ thể dần suy yếu. Bài viết này sẽ chia sẻ thông tin về chứng bệnh nghẹt mũi và ứng dụng Diện Chẩn trị nghẹt mũi.

    1. Nghẹt mũi là gì?

    Nghẹt mũi là dấu hiệu thường gặp của bệnh dị ứng, khi hệ hô hấp tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng, Điều này có nghĩa là niêm mạc mũi và xoang mũi bị kích ứng dẫn đến tăng tiết chất nhờn đào thải chất gây dị ứng. Kết quả khi dịch mũi tiết quá nhiều dẫn đến nghẹt mũi, cản trở sự lưu thông khí của đường hô hấp.
    Nghẹt mũi còn xảy ra khi xoang mũi bị viêm, dẫn đến niêm mạc bị sưng phù nề gây chèn ép đường thở làm nghẹt mũi.
    Nghẹt mũi có thể tự khỏi hoặc diễn biến nặng, tái phát nhiều lần tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Dấu hiệu này tuy thường không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt.

    2. Những nguyên nhân dẫn đến nghẹt mũi:

    – Do bị nhiễm lạnh, cảm lạnh: cơ thể chúng ta luôn luôn có cơ chế tự bảo vệ, khi gặp thời tiết lạnh, không khí khô thì trong mũi sẽ tự động tiết ra nhiều dịch hơn bình thường để làm ẩm không khí. Nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến dịch ra quá nhiều gây nghẹt mũi, khó thở [hình 1].
    – Do dị ứng thời tiết hoặc những tác nhân khác: hệ miễn dịch của một số người rất nhạy cảm, có thể sẽ phản ứng thái quá đối với một số tác nhân gây dị ứng (ví dụ: không khí ô nhiễm khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo, thuốc, hóa chất…). Khiến mũi chảy nhiều dịch hơn, kèm theo hiện tượng hắt xì nhiều, ngứa mũi, ngứa mắt. Không khí quá ẩm thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp.
    – Do vi-rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm phổi…
    – Do dị tật trong mũi, po-lip trong mũi, lệch vẹo vách ngăn mũi cũng sẽ gây cản trở không khí lưu thông qua mũi. [hình 2 , 3].
    – Do thói quen hay ngoáy mũi khiến vi khuẩn theo móng tay vào mũi, và không giữ vệ sinh mũi hàng ngày.
    – Do sức đề kháng kém, không chống chọi lại được những tác nhân gây bệnh.

    Hình 1: Dịch nhầy, mủ trong hốc xoang mũi

     

    chua-nghet-mui-dien-chan-2

    Hình 2: Po-lip trong lỗ mũi

     

    Hình 3: Vách ngăn mũi bị lệch

    3. Triệu chứng khi bị nghẹt mũi:

    – Thông thường nghẹt mũi sẽ khiến thay đổi giọng nói: giọng trở nên khàn, ngạt (giống như bịt mũi và nói chuyện thì giọng sẽ lạc đi).
    – Gây tình trạng khó thở khi ngủ, đặc biệt tư thế nằm ngửa. Gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ, thiếu ô-xi cho cơ thể, dần dần sẽ khiến cơ thể suy yếu. Nhiều người mắc bệnh sẽ chọn tư thế nằm nghiêng, tuy chỉ thở được một bên lỗ mũi nhưng cũng đỡ hơn. Nhưng nếu nằm nghiêng lâu cũng sẽ ảnh hưởng đến cột sống và các khớp xương như khớp háng, khớp vai.
    – Nếu nghẹt mũi lâu ngày có thể kèm theo những triệu chứng khác như đau họng, đau hốc mắt, đau đầu, ù tai, mũi không ngửi thấy mùi.

    4. Một số cách hỗ trợ giảm nghẹt mũi thông thường:

    Điều đầu tiên khi gặp phải tình trạng nghẹt mũi và nghẹt mũi kéo dài ta cần đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó sẽ có hướng điều trị phù hợp. Nếu là tình trạng nghẹt mũi do dị ứng, hoặc viêm nhiễm nhẹ thì phương án xử lý sẽ đơn giản hơn. Nhưng nếu trường hợp phức tạp, liên quan đến dị tật mũi, lệch vách ngăn thì có thể cần phải can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật chỉnh hình.
    Có thể sử dụng thuốc xịt mũi, thuốc chống dị ứng, chống viêm, hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ đối với những trường hợp thông thường.
    Nên sử dụng dùng máy lọc không khí, máy tạo độ ẩm trong phòng (nếu phòng điều hòa kín và thời tiết khô), máy hút ẩm (nếu môi trường quá ẩm thấp), và xông tinh dầu trong không gian sống sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí hít thở.
    Uống trà gừng mật ong, tắm nước nóng (dùng khăn nhúng nước nóng vắt khô và chà khắp cơ thể) khi bị cảm lạnh cũng sẽ giúp ấm người, giảm nghẹt mũi sổ mũi.

    5. Chữa nghẹt mũi bằng Diện Chẩn

    Đối với trường hợp nghẹt mũi thông thường, không phải do dị tật, ta có thể kết hợp các kỹ thuật Diện Chẩn Bùi Quốc Châu để trị nghẹt mũi như sau:
    – Dùng đầu ngón tay: chà lên xuống dọc vùng sống mũi, sống trán và mang tai sao cho ấm nóng, thực hiện 1-3 lần/ngày.
    – Dùng điếu ngải cứu: hơ ấm vùng lòng bàn tay khoảng 3-5 phút, sẽ giúp giảm nghẹt mũi.
    – Dùng máy sấy tóc sấy ấm dọc sống lưng, dọc trước ngực, hai bên phổi, và vùng thắt lưng cho ấm nóng.
    – Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết: giúp tăng cường sức đề kháng, giảm tình trạng dị ứng.
    – Dùng Que Dò để ấn và dán cao salonpas 4x4mm vào các huyệt sau [hình 4]: 19, 14, 275, 61 (giữ mỗi huyệt khoảng 7-10 giây), 16, 61, 287, 26, 3, 5, 17, 38, 0.

    chua-nghet-mui-dien-chan-4

    Hình 4: Bộ huyệt Diện Chẩn trị nghẹt mũi

    6. Lưu ý về thói quen ăn uống sinh hoạt:

    – Tập thể dục, dưỡng sinh hàng ngày, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin để tăng cường sức đề kháng.
    – Hạn chế những đồ ăn mang tính hàn lạnh: nước đá, cam, chanh, nước dừa… và những đồ ăn lên men (nước mắm, dưa cà muối, sữa chua…).
    – Giữ vệ sinh mũi họng: súc miệng, xịt rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý; nhớ đeo khẩu trang khi ra ngoài.
    – Giữ ấm cơ thể, không nên tắm gội vào buổi tối.

    4.9/5 - (18 bình chọn)