Viêm amidan là một chứng bệnh thường gặp ở một số người có sức đề kháng kém, bệnh dễ xuất hiện khi thời tiết trở lạnh, hoặc do thói quen ăn uống sinh hoạt không hợp lý. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về khái niệm và chức năng của Amidan đối với cơ thể. Và chia sẻ các ứng dụng Diện Chẩn chữa viêm Amidan.
1/Amidan là gì?
Amidan là một tổ chức thuộc Hệ Miễn dịch của cơ thể, nằm tập trung phía dưới niêm mạc hầu thành đám nằm ở hai bên thành họng bao gồm: amidan vòm họng (còn gọi là VA), amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi [hình 1]. Trong đó, amidan khẩu cái lớn nhất, nằm ở hai bên thành họng và cũng là amidan hay bị viêm nhất. Khi quan sát bằng mắt thường ta có thể dễ dàng thấy được một phần của amidan.
Hình 1: vị trí của Amidan trong khoang hầu
Amidan có vai trò bảo vệ cơ thể. Khi cơ thể bị xâm nhập bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp (vi khuẩn, virus…), amidan sẽ tiết ra kháng thể và các lympho bào giúp cơ thể chống lại các tác nhân đó.
Bình thường amidan vòm (VA) dày khoảng 2mm, không cản trở đường thở. VA tuy mỏng nhưng xếp thành nhiều nếp nên diện tiếp xúc rất rộng. Nhiệm vụ của nó là nhận diện vi khuẩn, tạo kháng thể và tiêu diệt vi khuẩn khi chúng tái xâm nhập.
Khi ta hít vào qua mũi, không khí sẽ tiếp xúc với VA trước khi vào phổi. Vi khuẩn trong không khí bám vào bề mặt tiếp xúc rất rộng của VA. Các tế bào bạch cầu đang chờ sẵn ở đây sẽ bắt giữ và nhận diện vi khuẩn để tạo ra kháng thể. Kháng thể này được nhân lên và đưa đi khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng mũi họng, tạo miễn dịch tại chỗ chống lại vi khuẩn khi chúng tái nhiễm.
Vai trò của amidan rất quan trọng trong các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
2/Nguyên nhân dẫn đến viêm Amidan:
Đây là bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, gây ra những triệu chứng đau rát họng, khó nuốt, sốt thậm chí nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, diễn biến của bệnh sẽ trở nên nặng hơn, dẫn tới nhiễm khuẩn máu, viêm hệ hô hấp và viêm cầu thận. Bệnh do các nguyên nhân sau:
• Do nhiễm các loại virus hoặc vi khuẩn như: virus cúm, virus gây bệnh hô hấp, khuẩn bệnh sởi, khuẩn bệnh ho gà…
• Người bệnh thực hiện vệ sinh cá nhân kém.
• Người bệnh sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ uống lạnh như kem, nước đá, bia lạnh, sử dụng nhiều đồ ăn cay nóng cũng dễ khiến niêm mạc bị tổn thương.
• Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi.
• Thậm chí do thời tiết thay đổi đột ngột cũng dẫn tới viêm amidan.
• Người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản
3/ Triệu chứng khi bị viêm Amidan
*Ở thể cấp tính: Viêm amidan cấp tính thường gặp ở người bệnh từ 3-4 tuổi trở lên với các triệu chứng của amidan khẩu cái bị xung huyết (màu đỏ và sưng lên) và tiết nhiều dịch, đây là triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu của viêm nhiễm. Ngoài ra, còn có thể có thêm các triệu chứng khác như sốt, amidan có các đốm màu trắng hoặc vàng, nổi hạch bạch huyết tại cổ và hàm, đau tai và nhức đầu.
*Ở thể mạn tính: Khác với viêm amidan cấp tính, viêm amidan mạn tính có triệu chứng không điển hình. Đây là tình trạng viêm tái lại nhiều lần với các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính, nhưng có thêm những dấu hiệu như sau:
• Triệu chứng đặc trưng của viêm amidan là người bệnh có hơi thở hôi, mặc dù đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu.
• Bệnh xảy ra trên nền thể trạng kém, gầy yếu và có thể sốt về chiều.
• Khi nuốt có cảm giác vướng ở cổ họng. Một số trường hợp viêm amidan sưng to khiến người bệnh khó thở.
• Ho khan từng cơn, đặc biệt ho kéo dài khi ngủ dậy vào buổi sáng.
• Do ho nhiều nên gây ra rát họng và giọng nói của người bệnh thay đổi.
• Đối với trẻ nhỏ có một số các triệu chứng khác như quấy khóc, chảy nước dãi do tăng tiết dịch, chán ăn, thở khò khè và nghe thấy tiếng ngáy khi ngủ…
Hình 2: Amidan khi bình thường và khi bị viêm
4/Cách sử dụng Diện Chẩn chữa viêm Amidan:
Khi bị bệnh, ta cần đi khám để kiểm tra mức độ bệnh và có hướng điều trị hiệu quả. Với trường hợp không quá nghiêm trọng, ta có thể sử dụng Diện Chẩn Bùi Quốc Châu để chữa viêm Amidan như sau:
– Đảo lưỡi, nuốt nước bọt nhiều lần trong ngày (giúp giảm khô rát cổ họng, giảm viêm họng)
– Dùng bàn tay vuốt cổ họng 30 cái, ngày làm 3 lần.
– Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết 3 lần/ngày nếu bị cấp tính, và 1-2 lần/ngày nếu mạn tính.
– Dùng đầu ngón tay giữa gõ và day vào vùng má ngay dưới dái tai cả 2 bên má như [hình 3]. Khi viêm Amidan thì 2 vùng này sẽ đau, ta gõ và day khoảng 30 cái, ngày làm 3-5 lần.
Hình 3: vị trí tác động giảm viêm Amidan
– Dùng Que Dò hoặc đầu đũa inox để ấn vào các vị trí huyệt [hình 4]: 26, 19, 127, 0 (mỗi huyệt ấn 7-10 giây), 8, 14, 275, 277, 64, 3, 61. Sau đó dán cao salonpas kích thước 4x4mm vào các huyệt trên, để khoảng 2-3 tiếng. Thực hiện 1-3 lần/ngày. Trong đó: Huyệt 26, 19, 127, 0: tăng cường sức đề kháng, giảm viêm tiêu mủ; Huyệt 8,14,275, 277, 64: liên quan đến Amidan; Huyệt 3,61 làm thông khí cho phổi và phục hồi niêm mạc bị viêm.
Hình 4: Bộ huyệt Diện Chẩn chữa viêm Amidan
5/Một số lưu ý để phòng ngừa viêm Amidan:
– Hạn chế đồ ăn uống lạnh, điều hòa quá lạnh, chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, đồ ăn cay nóng), tắm muộn.
– Chú ý giữ ấm cổ họng, và uống đủ nước để tránh họng bị khô.
– Tránh để điều hòa, gió lạnh thổi trực tiếp vào cổ họng, cổ gáy trong thời gian dài.
– Tập thể dục, dưỡng sinh đều đặn, ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.