TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

DIỆN CHẨN HỖ TRỢ GIẢM SỐT

chua-dau-dau-bang-dien-chan

    DIỆN CHẨN HỖ TRỢ GIẢM SỐT
    Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta dễ gặp phải trường hợp bị sốt: ví dụ có người bị cảm cúm cũng có biểu hiện sốt kèm đau đầu mỏi người, trẻ em bị ho viêm họng cũng có biểu hiện sốt, hoặc trường hợp bị sốt vi-rút hay sốt xuất huyết… Vậy nguyên nhân dẫn đến sốt là gì? Và khi gặp trường hợp này chúng ta nên xử lý thế nào để có kết quả tốt. Mời Quý vị cùng theo dõi qua bài viết này.

    1. Nguyên nhân và cơ chế của sốt:

    Bình thường cơ thể chúng ta luôn duy trì một nhiệt độ hằng định, ít bị thay đổi theo nhiệt độ môi trường bên ngoài. Thân nhiệt chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: giảm dần theo tuổi, dao động theo nhịp ngày đêm: thấp nhất vào lúc 3-6h sáng, cao nhất lúc 14-17h chiều, thân nhiệt của phụ nữ cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, nhiệt độ môi trường bên ngoài cũng ảnh hưởng phần nào đến thân nhiệt. Đặc biệt, thân nhiệt thay đổi trong trường hợp bệnh lý: còn gọi là Sốt. Đây là triệu chứng rất thường gặp trong nhiều bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây sốt:
    – Rối loạn hoạt động của bản thân não (sốt do u não)
    – Do các chất gây sốt tác động lên trung tâm điều nhiệt làm tăng nhiệt độ cơ thể
    – Nhiễm virus (như cúm hoặc cảm lạnh)
    – Nhiễm khuẩn
    – Nhiễm trùng nấm
    – Ngộ độc thực phẩm
    – Sốc nhiệt, say nắng
    – Viêm (do các trường hợp như viêm khớp, viêm họng…)
    Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi vùng điều nhiệt (nằm ở vùng dưới đồi) được cài đặt lại ở nhiệt độ cao hơn, chủ yếu là để giúp cơ thể đáp ứng với nhiễm trùng. Khi thân nhiệt tăng sẽ có tác dụng làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học để bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh. Nhiều trường hợp sẽ tự khỏi sau cơn sốt mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu sốt cao quá và kéo dài sẽ gây nhiều hậu quả xấu đối với cơ thể, đặc biệt đối với trẻ em.

    2. Một số phương pháp giúp hỗ trợ giảm sốt:

    Khi sốt cao trên 39 độ trong thời gian dài hơn 3 ngày cần lập tức đưa tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
    Trong những trường hợp sốt nhẹ ta có thể áp dụng những phương pháp sau để hỗ trợ giảm sốt:
    – Uống nước oresol, súp, cháo muối loãng… giúp bù nước, tăng sức.
    – Mặc quần áo mỏng nhẹ và thoáng để giảm nhiệt
    – Ngâm mình trong nước ấm
    – Dùng khăn ấm để lau người, lau nách và bẹn
    – Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sỹ

    3. Ứng dụng phương pháp Diện Chẩn Bùi Quốc Châu để hỗ trợ giảm sốt trong trường hợp sốt không quá nghiêm trọng:

    – Dùng đầu cao su của Búa Mai Hoa (Búa Nhỏ) gõ khắp mặt và đầu khoảng 1-3 lượt với lực vừa theo sức chịu đựng, tránh gõ quá mạnh gây bầm tím da. Trong khi gõ cần chú ý những điểm đau nhói hơn chỗ khác, đó chính là những điểm bế tắc được biểu hiện ra bên ngoài. Ta cần tập trung gõ nhiều hơn vào những điểm đó cho đến khi cảm giác đau nhói giảm bớt thì chuyển sang vị trí khác. Khi có cảm giác nóng bừng người và toát mồ hôi ra được là rất tốt, sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.

    dien-chan-ho-tro-giam-sot

    Hình 1. Gõ khắp mặt và đầu bằng Búa Mai Hoa

    – Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết bằng Cây Sao Chổi, lưu ý khi gạch cần chọn đầu dụng cụ phù hợp với cơ thể: thấy thoải mái dễ chịu với đầu nào thì chọn đầu đó. Thực hiện nhiều lần trong ngày khi lên cơn sốt. Trong những trường hợp cần thiết có thể cứ 30 phút thực hiện 1 lần. Kỹ thuật này giúp tăng cường hoạt động của hệ bạch huyết hay còn gọi là hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại những tác nhân gây viêm như vi trùng, vi khuẩn…

    dien-chan-ho-tro-giam-sot-2

    Hình 2. Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết

    – Sử dụng điếu ngải cứu hơ ấm nóng mắt cá chân, lòng bàn chân khoảng 10-15 phút và sờ thấy ấm nóng bàn chân và mắt cá chân [hình 3]. Có thể dùng 2 hoặc 3 điếu ngải cùng một lúc sẽ giúp ấm nóng nhanh hơn. Kỹ thuật này giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể, rất hiệu quả trong trường hợp sốt cao, đầu và cơ thể nóng nhưng dưới bàn chân lại bị lạnh. Để đạt hiệu quả cao nhất nên uống nước ấm hoặc nước bù điện giải trước khi hơ. Nếu không có điếu ngải cứu có thể sử dụng máy sấy tóc sấy ấm các vùng như vậy.

    Hình 3: Hơ mắt cá chân, bàn chân bằng điếu ngải cứu

    – Trường hợp sốt do nhiễm khuẩn có thể sử dụng cao Salonpas cắt vuông kích thước 4x4mm dán vào các vị trí huyệt sau: 26, 143, 16, 15, 3, 38, 85, 87 như [hình 4]. Để cao dán khoảng 3 tiếng đối với người lớn. Còn trẻ em có thể cắt nhỏ hơn và để khoảng 1-2 tiếng. Thực hiện từ 1-3 lần/ngày cho đến khi hạ sốt.

    dien-chan-ho-tro-giam-sot-4

    Hình 4: Bộ huyệt hỗ trợ giảm sốt

    4. Những lưu ý trong trường hợp bị sốt:

    Như đã nêu ở phần trên, tình trạng sốt là phản ứng bình thường của cơ thể. Điều quan trọng là cần xác định chính xác nguyên nhân gây sốt để đưa ra hướng xử lý phù hợp, không nên tự làm tại nhà để tránh những hậu quả nghiêm trọng. Nếu gặp phải trường hợp sốt và kèm theo những triệu chứng sau thì cần đưa tới bệnh viện ngay:
    – Co giật hoặc động kinh
    – Ngất xỉu hoặc mất ý thức, lú lẫn, ảo giác
    – Đau bụng
    – Đau đầu dữ dội
    – Cứng hoặc đau cổ
    – Khó thở
    – Phát ban hoặc nổi mề đay
    – Sưng tấy ở bất kỳ phần nào trên cơ thể.

    5. Lưu ý về thói quen ăn uống sinh hoạt giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa trường hợp sốt

    – Thực hành các Đại giản thuật như 12 động tác xoa mặt, chà mặt khăn nóng, xoay cổ tay, gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết. Tất cả kỹ thuật này đều có trên kênh Y.o.u.tu.be của Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu, Mục “Các video hướng dẫn kỹ thuật Diện Chẩn Căn Bản” trong phần Danh sách phát.
    – Hạn chế tắm muộn, ăn đồ mang tính âm như nước đá, cam, chanh, nước dừa…
    – Sử dụng những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng như: tỏi, gừng, nghệ, xả…

    Mến chúc Quý vị thực hiện thành công. Mọi thắc mắc về các kỹ thuật thực hành Diện Chẩn, Quý vị có thể liên hệ tới số tổng đài 1900 0201, hoặc địa chỉ Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu tại số 1 ngõ 95 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội – Là cơ quan đại diện chính thức của Thầy Bùi Quốc Châu tại miền Bắc. Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn chuyên đề cụ thể vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

    Kính tri ân GS TSKH Bùi Quốc Châu – Nhà phát minh Diện Chẩn Việt Y Đạo, Chủ tịch danh dự của Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu.

    Kính cảm ơn cô Maria Trần Lan Anh – Nhà sáng lập Hội Quán và các Thầy Cô, các cộng sự, quý cộng tác viên, quý học viên tại Hội Quán.

    Thầy Hoàng Minh Hải

     

    5/5 - (24 bình chọn)