KIẾN THỨC MỞ RỘNG, TÀI LIỆU, TIN TỨC

Diện Chẩn – Phương Pháp ” Phản Xạ Đa Hệ” Độc Đáo

    Diện Chẩn – Phương Pháp ” Phản Xạ Đa Hệ” Độc Đáo

    Để khám phá phương pháp “phản xạ đa hệ” độc đáo, điều quan trọng là phải hiểu về một số lý luận nền tảng mà thoạt nghe có vẻ phức tạp. Đó chính là lý do trước tiên tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một cái nhìn tổng quát về Diện Chẩn trước khi đi vào chi tiết về lý thuyết và thực hành của phương pháp này. Một số khái niệm đưa ra có vẻ quá đơn giản hoặc thậm chí lặp đi lặp lại, nhưng hãy dành chút thời gian để khám phá sự tinh tế thực sự của những khái niệm ấy.

    SỰ QUAN TRỌNG CỦA GƯƠNG MẶT ĐỐI VỚI CON NGƯỜI

    Những nền văn minh có truyền thống y học lâu đời đều cho rằng gương mặt là nơi quan trọng cần nghiên cứu. Mặt là bộ phận dễ nhìn thấy nhất của con người, đồng thời nó có một ưu thế lớn lao so với các bộ phận khác của cơ thể.
    Người ta có thể thấy được ở đó sự phản ảnh tình cảm, trạng thái tâm, sinh lý và kể cả những chứng bệnh của cơ thể. Các giác quan như thị giác, thính giác, khướu giác, vị giác đều nằm trên khuôn mặt. Xúc giác cũng đặc biệt phát triển trên mặt. Người ta phát hiện rằng trên gương mặt sự phân bố của mạng lưới mạch máu, dây thần kinh và những đường kinh lạc trong châm cứu dày đặc hơn bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể.
    Gương mặt – đó là nơi nhạy cảm nhất và thể hiện rõ nhất toàn bộ con người.
    Y học phương Đông cho rằng gương mặt là nơi tập trung chính của tính Dương. Quả vậy, đó là phần duy nhất của cơ thể chịu được lạnh và ta tìm thấy ở đó nhiều đầu mối hoặc điểm tận cùng của các kinh Dương.
    Châm cứu cổ xưa đã tìm thấy trên gương mặt một số lượng lớn huyệt cho phép điều trị một số chứng bệnh. Trong một số tài liệu Trung Quốc, người ta chỉ ra sự phát triển của ngành châm cứu trên gương mặt mà trong đó người ta sử dụng 24 huyệt phối hợp với những huyệt khác nhau trên cơ thể để phục vụ việc gây tê cho các phần khác nhau trong cơ thể.

    TỪ SỐ LƯỢNG LỚN CÁC ĐỒ HÌNH PHẢN CHIẾU

    Diện Chẩn có một nguồn gốc hoàn toàn khác với khoa châm cứu cổ điển, bởi nó không dùng hệ thống kinh lạc như châm cứu, mà sử dụng một mạng lưới đa phản chiếu bao gồm hàng trăm đồ hình phản chiếu, trong số đó có khoảng 20 đồ hình nằm trên mặt. Thật ra, cũng như y học cổ truyền, y học hiện đại đã khám phá ra sự liên kết mạnh mẽ giữa những vùng khác nhau trên mặt và các bộ phận trong cơ thể.
    Điều đó được giải thích bởi những đồ hình cơ thể khác nhau phản chiếu trên gương mặt. Người ta cũng có thể nhìn thấy ở đó các dấu hiệu cho phép chẩn đoán bệnh tật và hệ thống hóa những thông tin này. Nhờ quan sát những đồ hình phản chiếu trên gương mặt, chúng ta sẽ xây dựng được phương pháp chẩn đoán bệnh theo đa phản xạ học.

    MỘT CÁI NHÌN TỔNG THỂ VỀ CUỘC SỐNG

    Diện Chẩn không chỉ giới hạn ở lĩnh vực điều trị, nó còn chứa đựng nghệ thuật sống. Quả thực, Diện Chẩn bao gồm vô số các lĩnh vực mang đến cho bệnh nhân và người chữa bệnh một sự thoải mái về tâm sinh lý. Sự trò chuyện thường xuyên giữa thầy thuốc và bệnh nhân giúp chúng ta hiểu rõ hơn nguyên nhân căn bệnh và từ đó có thể cho bệnh nhân các lời khuyên.
    Dưới góc độ chuyên môn, Diện Chẩn sẽ sử dụng những thủ pháp tác động và nguyên tắc có vẻ tương tự phản xạ học như bấm huyệt, shiatsu (ấn huyệt kiểu Nhật Bản), liệu pháp chữa bệnh bằng nước (massothérapie), thủ châm, reiki (liệu pháp chữa bệnh bằng năng lượng của Nhật Bản) và tất cả những kỹ thuật trị liệu toàn diện hiện đại.
    Theo quan điểm triết học, Diện Chẩn được sáng lập từ ứng dụng đời thường của triết học phương Đông, của văn hóa và truyền thống Việt Nam, dưới ánh sáng của các kiến thức thời đại. Triết lý của phương pháp này được rút ra từ quan sát thực tế, cũng giống như khái niệm về Âm và Dương phản ánh những sự đối lập trong thiên nhiên. Nóng và Lạnh cũng là những phần quan sát quan trọng để chẩn đoán và điều trị. Triết học phương Tây, chẳng hạn như triết lý của Aristote hoặc Descartes, không tương ứng với những lập luận của Diện Chẩn. Ngược lại, các kiến thức của y học phương Tây và những kinh nghiệm lâm sàng đã đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng những quan niệm của Diện Chẩn.
    Về lý thuyết, Diện Chẩn chủ yếu dựa trên thuyết nhất nguyên luận (monisme) và thuyết tương đối (relativisme), cũng chính là chữ “Tùy” và tư duy toàn cục (pensée globale).

    DA, NƠI TIẾP PHÁT CỦA NÃO

    Trong Diện Chẩn, chúng tôi không sử dụng kim cũng không dùng thuốc bởi vì tôi đã quan sát thấy cơ thể phản ứng lại những kích thích đơn giản trên da. Tôi coi làn da như là trạm tiếp phát (relais) của não. Làn da nhận thông tin, phân tích và ra các mệnh lệnh được toàn bộ cơ thể tiếp nhận. Chính là sau khi cảm nhận ngôn ngữ của cơ thể mà người thầy thuốc Diện Chẩn đã kích thích trên bề mặt da và gửi đi những tín hiệu về não bộ để kích hoạt tiến trình tự điều trị.

    NHỮNG DỤNG CỤ ĐẶC THÙ CỦA DIỆN CHẨN

    Sự kích thích bề mặt của da được thực hiện bằng những dụng cụ đặc biệt được sáng chế dành cho Diện Chẩn. Những dụng cụ này được chia thành hai loại Âm và Dương tùy theo hình dáng và chất liệu được sử dụng như: nhựa cao cấp, Inox, hợp kim đồng thau, bạc và vàng. Tôi nhận thấy những dụng cụ này cho phép đạt được những kết quả nhanh hơn là sự xoa bóp đơn giản bằng các ngón tay. Sự khác nhau giữa các dụng cụ Diện Chẩn cũng như những chức năng của nó được mô tả chi tiết trong cuốn sách này (xem trang 75).
    Người thầy thuốc sẽ chọn dụng cụ phù hợp nhất với việc điều trị và hoàn cảnh, cũng như dễ chịu nhất cho bệnh nhân.

    CÁC ĐỒ HÌNH VÀ SINH HUYỆT

    Diện Chẩn đã đưa ra rất nhiều đồ hình phản chiếu trên mặt nhưng cũng có những đồ hình trên khắp cơ thể. Điều đó làm cho Diện Chẩn có vô số khả năng điều trị phù hợp với mỗi người và phù hợp với sự tiến triển của căn bệnh, cũng như tình trạng bệnh ở từng thời điểm. Vì vậy, Diện Chẩn là môn phản xạ đa hệ – đa chiều, chứ không chỉ là một kỹ thuật đơn giản của phản xạ học, với chỉ một đồ hình đơn điệu và một cách tác động duy nhất.
    Trong Diện Chẩn, một vùng hoặc một huyệt trên mặt tương ứng với nhiều bộ phận hoặc nhiều vùng trong cơ thể. Nhưng chỉ có bộ phận nào được nhắm đến mới phản ứng với sự tác động, bởi vì chúng tôi hướng cái “khí” đi tới bộ phận bị suy yếu.
    Trong khi nghiên cứu về đồ hình phản chiếu, chúng tôi đã phát hiện những sinh huyệt rất đau khi bị tác động vào và chúng không cố định như huyệt BQC trên đồ hình huyệt (xem trang 172-173). Những sinh huyệt này cho chúng ta thấy một vùng nhạy cảm xuất hiện trên một đồ hình phản chiếu, nó có thể biến mất hoặc thay đổi vị trí theo thời gian và sự tác động.
    Đồ hình, sinh huyệt, huyệt BQC quan trọng đối với phương pháp Diện Chẩn giống như khoa sinh lý học, cơ thể học, bệnh lý học… đối với y học phương Tây, bởi đồ hình, sinh huyệt, huyệt BQC xây dựng thành nền tảng của Diện Chẩn. Tách biệt đồ hình, sinh huyệt, huyệt BQC là làm mất đi tính chất phản xạ đa hệ – đa chiều độc đáo của phương pháp Diện Chẩn.

    Xếp Hạng