Nguyên lý Đồng Ứng
Khi mới tìm hiểu phương pháp Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp của GS TSKH Bùi Quốc Châu thì có điều này không phải ai cũng biết, đó là nguyên lý đồng ứng chính là một trong những nền tảng quan trọng nhất giúp Thầy xây dựng nên công trình phát minh đồ sộ này. Vậy bắt nguồn từ đâu mà Thầy Châu lại tìm ra nguyên lý đó, và điều đó ứng dụng trong Diện Chẩn như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trong cuộc sống hằng ngày, quy luật đồng ứng đã tồn tại và chúng ta vẫn đang sử dụng. Ví dụ những câu nói trong dân gian như: ngưu tầm ngưu mã tầm mã, giỏ nhà ai quai nhà nấy, nồi nào úp vung nấy… đều có hàm ý mô tả những gì giống nhau thì sẽ liên quan đến nhau. Ví dụ: những người bạn chơi thân với nhau thường có sở thích giống nhau.
Trong cuốn Kinh Dịch – một trong những tác phẩm kinh điển của khoa học phương Đông từ hàng nghìn năm trước đã có đề cập đến quy luật đồng ứng này. Đó là trong chương Văn Ngôn, thuộc quẻ Kiền có câu “Đồng Thanh Tương Ứng – Đồng Khí Tương Cầu”, cũng có ý nghĩa là những gì giống nhau về tính chất, âm thanh… thì sẽ ứng với nhau, cầu về nhau.
Và một điều rất đặc biệt, trong ngôn ngữ Việt Nam ta có rất nhiều từ để mô tả các bộ phận của cơ thể người, có những từ ngữ giống nhau. Ví dụ: Cái đầu, đầu ngón tay, đầu ngón chân, đầu mũi, đầu lông mày, đầu gối… hoặc bụng tay, bụng chân, bụng… hoặc sống mũi, sống lưng… rất rất nhiều.
Thầy Bùi Quốc Châu đã quan sát những chi tiết đó, rồi chiêm nghiệm đúc kết và đưa ra những ức thuyết rồi tự mình kiểm chứng lại trên thực tế người bệnh khi thầy công tác trong trường Fatima Bình Triệu. Đó là nguyên lý Đồng Ứng mà từ đó thầy đã tìm ra rất nhiều đồ hình đồng ứng Diện Chẩn và đồ hình phản chiếu để ứng dụng vào việc chẩn đoán tình trạng sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
Những hệ luận của Nguyên lý Đồng Ứng
Và từ đó, thầy đã phát triển ra những hệ luận của Nguyên lý Đồng Ứng như sau:
Hệ luận 1: Thuyết Đồng hình tương tụ
Những gì có hình dạng tương tự nhau thì có liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau. Ví dụ: Sống mũi có hình dáng tương tự sống lưng, bàn tay với ngón cái giơ ra tương tự như trái tim, nhưng bàn tay nắm lại thì lại tương tự như cái đầu. Từ đó có thể tác động lên sống mũi để ảnh hưởng đến sống lưng và tác động lên bàn tay để hỗ trợ giảm các bệnh về tim, đau đầu…
Hệ luận 2: Thuyết Đồng tính tương liên
Những gì có tính chất tương tự nhau thì có sự liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau do đó nó có khả năng tăng cường hiệu quả cho việc chăm sóc sức khỏe hay hóa giải ảnh hưởng xấu cho nhau. Ví dụ: Huyệt số 106 và 08 có tác dụng tương tự, do đó có thể hỗ trợ hay hóa giải cho nhau.
Hệ luận 3: Thuyết Đồng tự hay Đồng danh
Những bộ phận trong cơ thể có tên gọi giống nhau như: sống mũi – sống lưng ; đầu gối – đầu ngón tay – đầu ngón chân – đầu vú … đều có sự liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau. Vì vậy có thể tác động vào bộ phận cùng tên như tác động vào đầu ngón tay để giảm đau đầu (Điều này chỉ có trong tiếng Việt).
Hệ luận 4: Thuyết Đồng âm hay Đồng thanh
Những bộ phận khi đọc tên lên có âm thanh tương tự nhau như Tay – Tai thì có thể dùng để tác động tới nhau. Vd: Tác động lên sinh huyệt vùng chân mày (phản chiếu cánh tay) để giảm ù tai, điếc tai
Hệ luận 5: Thuyết Đồng chất
Những bộ phận có tính chất cứng/mềm tương tự nhau như xương đầu gối, xương cùi chỏ, xương gót chân đều có sự liên quan với nhau.
Vậy cách ứng dụng những đồ hình đó như thế nào? Rất đơn giản, ta chỉ cần để ý tới những gì trên cơ thể có hình dáng, tính chất, tên gọi…giống nhau thì sẽ dùng để chữa cho nhau, ví dụ: Sống mũi tương ứng sống lưng vì có cùng từ “sống”, và hình dáng sống mũi cũng gồ lên giống đường giữa cột sống lưng từ đó ta sẽ tác động lên sống mũi để chữa đau lưng;
Hình 1: Sống mũi đồng ứng với sống lưng
Hoặc đầu ngón tay, đầu ngón chân tương ứng với đầu , vì có cùng từ “đầu” và hình dáng cũng giống nhau, vì vậy khi bị đau đầu ta sẽ kiểm tra các đầu ngón tay, đầu ngón chân và tìm điểm nào nhói buốt, ta ấn giữ vào đó sẽ giúp giảm đau đầu.
Hình 2: Đầu ngón tay, đầu ngón chân đồng ứng với đầu
Để ứng dụng được đồ hình đồng ứng Diện Chẩn, ta cần lưu ý một số điểm sau:
– Các bộ phận có hình dáng tương tự nhau nhưng tư thế cũng cần phải giống nhau, ví dụ: nắm tay lại tương ứng đầu, nhưng phải hướng nắm tay lên trên chứ không để nằm ngang hoặc chúc xuống dưới đất.
– Phải tìm cho được điểm nhạy cảm thì khi tác động vào mới đạt hiệu quả cao nhất (điểm nhạy cảm có thể cho cảm giác đau nhói buốt, nổi cộm cứng, lõm, hút nóng, hút lạnh…)
– Khi tác động vào đồ hình đồng ứng cần tập trung ý nghĩ tới vùng đang bị đau theo nguyên lý Ý dẫn Khí dẫn Huyết dẫn Lực.
– Mỗi lần tác động, chỉ làm cho đến khi cảm giác đau giảm bớt khoảng 70-80% là tối đa, khi đó nên dừng lại và có thể mấy tiếng sau mới làm tiếp.
Còn có rất nhiều đồ hình đồng ứng Diện Chẩn quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, Quý độc giả có thể tham khảo từ cuốn Chữa bệnh bằng đồ hình đồng ứng và phản chiếu do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành.
Chúc Quý độc giả thực hành hiệu quả và luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an.