Lá Phổi là Bà Mụ đỡ tay đầu tiên
Trong cơ thể chúng ta có 12 Bà Mụ liên kết với nhau và thay phiên nhau nuôi dưỡng chúng ta, bảo vệ chúng ta luôn được khỏe mạnh bình an. Trong số đó, Lá Phổi có thể nói là Bà Mụ đứng mũi chịu sào nhiều nhất, mà cũng là nơi mong manh yếu đuối, dễ bị tổn thương nhất.
Khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, chính Lá Phổi là Bà Mụ đỡ tay đầu tiên, khởi động sự sống của ta ở bên ngoài lòng Mẹ và lá Phổi cũng là cánh cửa duy nhất giúp ta đón nhận Khí Trời, thứ tài sản quý giá nhất mà Đấng Tạo Hóa ban tặng miễn phí cho Con Người. Mỗi khi trái gió trở trời hay những lúc cơ thể bị tấn công bởi mầm bệnh trong môi trường khắc nghiệt, thì lá Phổi cũng là nơi thường gánh chịu những tổn thất đầu tiên. Và ai cũng biết, con người có thể nhịn ăn vài chục ngày mà không chết, hay nhịn uống được độ vài ngày, nhưng nếu không thở được chỉ vài phút thôi, thì đã “ngao du tiên cảnh” rồi. Cho nên việc chăm sóc lá Phổi cần được thực hiện một cách thường xuyên và phải rất kịp thời, nhất là khi có những biến động bất thường như thay đổi thời tiết, hoặc bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài tác động đến hệ hô hấp, làm cho khó thở.
Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ cùng Bạn (Quý Độc Giả) một số cách chăm sóc, bảo dưỡng cho lá Phổi luôn được khỏe mạnh, thậm chí có thể cấp cứu kịp thời trong một số tình huống xấu. Những kỹ năng này được vận dụng và đúc rút từ phương pháp Dưỡng Sinh Diện Chẩn Bùi Quốc Châu, hay thường được bạn bè quốc tế gọi là Liệu Pháp Dưỡng Sinh Việt Nam – Vinatherapy.
Bài tập 1: Dùng để tập luyện dưỡng sinh hàng ngày và hỗ trợ trị liệu các vấn đề bất ổn đường hô hấp.
Như chúng ta đã biết, hít thở là hoạt động tiên khởi của Con Người và động vật khi mới chào đời, ai cũng biết hít thở một cách tự nhiên theo bản năng, nhưng để hít thở sao cho đúng, đủ, khiến cơ thể được khỏe mạnh, thì không phải ai cũng biết, hoặc có biết nhưng chưa thực sự quan tâm đúng mức. Khi lo lắng, sợ hãi hay vận động quá sức thì chúng ta thở dồn dập khiến phổi phải hoạt động vượt ngưỡng, còn khi buồn rầu hay lười biếng thì hơi thở lại thường ngắn và nông làm cho phổi không được giãn nở đúng độ cần thiết. Vì vậy, chúng ta cần tập thở thường xuyên và đúng cách để giúp lá Phổi luôn được hoạt động tối ưu nhất, cũng là để giữ cân bằng cho cơ thể. Theo nguyên lý Âm Dương được vận dụng trong Diện Chẩn Việt Y Đạo, thì hít vào thuộc tính Dương, thở ra thuộc tính Âm. Cho nên, khi cơ thể yếu nhược, mệt mỏi, tâm lý chán chường, uể oải… chúng ta cần “HÍT VÀO NHANH, MẠNH, SÂU VÀ THỞ RA CHẬM, NHẸ” và ngược lại, khi cơ thể nóng, nhiệt, tinh thần hưng phấn quá độ hay bức bối, tức giận… thì “HÍT VÀO CHẬM, NHẸ, SÂU VÀ THỞ RA NHANH, MẠNH”, đó là nguyên lý chung. Chúng ta có một bài tập đơn giản nhưng rất hiệu quả, Bạn nên thực hiện 3 – 5 lần trong ngày, gồm 2 động tác:
Động tác 1: Hít sâu vào phổi (nhanh hay chậm TÙY thuộc trạng thái cơ thể như đã phân tích ở trên), đồng thời căng hết cỡ vùng lưng trên ra phía sau, hai vai ép về phía trước (xem hình 1). Khi đã hít sâu và căng hết cỡ, lúc này dừng lại, nín thở và gồng lưng, vai lên, nghiến nhẹ 2 hàm răng, tập trung chú ý vào vị trí phổi ở lưng trên, giữ như vậy khoảng 3 – 5 giây, sau đó thở ra (nhanh hay chậm cũng theo nguyên tắc chữ TÙY), trở về tư thế bình thường.
Động tác 2: Hít sâu và thở ra cũng theo nguyên tắc như trên, nhưng động tác thì ngược lại, hít vào đồng thời ưỡn căng lồng ngực về phía trước, hai vai đẩy ra sau, nín thở, gồng, nghiến răng nhẹ, tập trung chú ý vào vị trí phổi ở trước ngực (xem hình 2). Sau 3 – 5 giây, thở ra, trở về tư thế bình thường.
Mỗi lần, Bạn nên tập 3 đường thở liền cho mỗi động tác, nếu cảm thấy chưa đã, thì tập thêm vài lượt nữa, nhưng chú ý, sau 3 đường thở thì nên nghỉ một chút rồi mới tập tiếp lượt sau.
Hai động tác tập cho Phổi này được vận dụng từ môn Thể Dục Tự Ý Bùi Quốc Châu, một phương pháp tập luyện rất kỳ diệu, độc đáo và riêng có của Việt Nam.
Bài tập 2: Thường dùng hỗ trợ tích cực cho các vấn đề bất ổn về đường hô hấp ở thể cấp tính (nghẹt mũi, khó thở, cơn suyễn, suy hô hấp…), hoặc cũng dùng để hỗ trợ lâu dài cho những vấn đề mãn tính của đường hô hấp (trường hợp cần tác động lâu dài thì nên thực hiện tối đa 15 ngày/1 liệu trình, nghỉ 3-5 ngày, rồi mới làm liệu trình tiếp theo).
Bạn hãy dùng máy sấy tóc (hoặc hơ bằng nhang ngải cứu thì tốt hơn), sấy/hơ nóng vùng lưng trên và trước lồng ngực, mỗi vùng khoảng 2 – 3 phút (xem hình 3 và 4), rồi tập luyện theo bài tập 1. Hơi nóng và đặc biệt là tinh chất của cây ngải cứu khuếch tán ra khi đốt sẽ giúp giãn nở khí quản và phế nang rất tốt.
Massage 2 hốc mắt, sống mũi và đường viền trước 2 vành tai, khoảng 1 – 2 phút/vùng (xem hình 5,6,7) theo kỹ thuật 12 động tác xoa mặt của Diện Chẩn.
Gạch bằng que dò huyệt, kết hợp hơ ngải cứu xung quanh hốc mắt, hai bên sườn sống mũi, vùng trán sát trên xương cung mày và 2 lòng bàn tay (xem hình 8,9). Khoảng 2 – 3 phút/vùng.
Day ấn vào các vị trí huyệt 26,189, 28,73,61,3,287,113, sau đó có thể dán một miếng cao salonpas nóng 4 x 4mm trên vị trí mỗi huyệt (nếu không tiện hoặc bị dị ứng với salonpas thì không cần), mỗi huyệt nên ấn giữ và day nhẹ khoảng 30s. (xem hình 10).
Bài tập này, nên thực hiện 1-3 lần/ngày, tùy theo mức độ cần hỗ trợ tích cực.
Từ bỏ thói quen xấu làm ảnh hưởng đến lá phổi
Bạn thân mến, với những thao tác đơn giản như vậy thôi, nhưng nếu Bạn chịu khó rèn luyện hàng ngày cho thành kỹ năng nhuần nhuyễn, thì Bạn đã rất chủ động trong việc chăm sóc cho lá Phổi của mình luôn được mạnh khỏe rồi, hơn nữa, có thể giúp Bạn hay người thân của Bạn vượt qua những giây phút hiểm nghèo, mà chưa thể tiếp cận ngay được với các dịch vụ y tế. Và đó, chính là sự tri ân sâu sắc tới Đấng Tạo Hóa đã kiến tạo nên Con Người cùng những cơ chế vi diệu của sự sống, cũng là sự trả ơn Bà Mụ Lá Phổi đã luôn duy trì sự sống từng giây từng phút cho chúng ta.
Tất nhiên Bạn cũng cần chú ý, đừng hành hạ Người Mẹ Đỡ Đầu này bằng khói thuốc lá, hay môi trường độc hại thiếu dưỡng khí, hoặc thói quen tắm đêm và ăn uống nhiều đồ lạnh nhé.
Chúc Bạn luôn khỏe và bình an!
Kính Tri Ân GS.TSKH Bùi Quốc Châu, người đã thấu hiểu được quy luật của Tự Nhiên và phát minh ra những con đường kỳ diệu, đem lại thật nhiều lợi ích cho đời sống.
2660.!
Tác giả bài viết: Huỳnh Tâm Bình – Giảng Viên Diện Chẩn/ Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu.