Khai Thông Mạch Nhâm Đốc Bằng Diện Chẩn
Theo quan điểm của y học cổ truyền thì Khí Huyết trong cơ thể người được lưu thông qua hệ thống Kinh Lạc, cụ thể là Kinh mạch và Lạc mạch (người Việt mình cũng dùng từ này để mô tả hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp, đó là từ Kênh Lạch hay Kênh Rạch). Nếu Khí Huyết ứ trệ, lưu thông kém sẽ khiến sức khỏe suy yếu. Trong hệ thống Kinh Lạc thì mạch Nhâm cùng mạch Đốc là hai mạch trọng yếu của cơ thể, là nơi tụ hội của các đường kinh mạch Âm và Dương (hình 1).
Có thể ví hai đường Nhâm Đốc này như đường quốc lộ, nếu đường quốc lộ mà ùn tắc thì các đường nhánh cũng sẽ dễ bị tắc theo.
Bên cạnh đó, vị trí đường đi của hai mạch Nhâm Đốc nằm dọc trục trước và sau cơ thể người, là nơi tập trung số lượng lớn các mạch và hạch Bạch Huyết, chính là hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh (hình 2).
Và theo nguyên lý Phản Chiếu trong phương pháp Diện Chẩn Bùi Quốc Châu, vùng lưng là nơi phản chiếu các bộ phận trong cơ thể người (hình 3).
Khi nội tạng có bệnh sẽ xuất hiện Sinh Huyệt trên lưng và trước bụng, đó cũng chính là những điểm tác động giúp phục hồi sức khỏe nội tạng.
Chính vì vậy, việc khai thông hai mạch Nhâm Đốc định kỳ sẽ có tác dụng rất quan trọng đối với sức khỏe.
Trong phương pháp Diện Chẩn, GS TSKH Bùi Quốc Châu đã tìm ra một cách rất hữu hiệu giúp đả thông hai mạch này, đó là Hơ Nhâm Đốc.
Kỹ thuật này có những tác dụng sau:
Giúp làm ấm người, đẩy hàn khí ra khỏi cơ thể.
Khai thông tắc nghẽn, giảm ứ trệ, giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết tốt hơn.
Giúp hệ bạch huyết hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa b.ệnh.
Giúp hạ sốt.
Xử lý Sinh Huyệt vùng dọc trước thân người và cột sống.
Những trường hợp nên thực hành Hơ Nhâm Đốc:
Người bị nhiễm hàn khí lâu ngày khiến cơ thể hay sợ lạnh sợ gió, dễ bị cảm lạnh
Người có sức đề kháng suy yếu, dễ nhiễm b.ệnh khi giao mùa, thay đổi thời tiết (ví dụ: dễ bị cảm cúm, ho, sổ mũi, đau mắt đỏ, sốt virus…)
Người bị bệnh ở nhiều nội tạng, bệnh đã lâu ngày cơ thể suy yếu.
Cách khai thông mạch Nhâm Đốc:
Dùng điếu ngải cứu hơ cách bề mặt da khoảng 1-2 cm, di chuyển thật chậm từ cổ họng dọc xuống bờ xương mu và từ xương cụt lên sát chân tóc trán. Thấy điểm nào hút nóng, nóng rát thì đưa điếu ngải vào gần hơn rồi nhấc ra ngay, và lặp lại 2 lần liên tiếp như vậy.
Liều lượng: mỗi ngày hơ một lần và hơ trong khoảng 7-10 ngày liên tục.
Lưu ý:
Trước khi khai thông mạch Nhâm Đốc nên uống 100-200ml nước ấm.
Nếu không có điếu ngải cứu (hoặc chưa tự tin thực hành), ta có thể sử dụng máy sấy tóc, kết hợp Cây Lăn, Que Dò… để khai thông dọc theo hai đường mạch này.
Dấu hiệu nhận biết kết quả đúng:
Ngay sau khi khai thông mạch Nhâm Đốc sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng dễ chịu.
Sau vài ngày khai thông mạch Nhâm Đốc sẽ thấy người ấm áp hơn, ít sợ gió sợ nước, ngủ ngon hơn, ăn uống ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
Dấu hiệu hơ quá liều:
Cơ thể bị nóng, háo khát, táo bón, nổi mụn. Nếu bị như vậy thì nên dừng hơ và ăn các đồ ăn có tính mát để giải nhiệt.
Có thể dùng kỹ thuật khai thông mạch Nhâm Đốc như một cách hỗ trợ, nâng cao sức khỏe tổng trạng để phối hợp cùng các phương pháp chăm sóc sức khỏe khác. Hoặc hơ định kỳ khoảng 2-3 tháng làm một đợt để bảo dưỡng sức khỏe.
Chúc Quý vị thực hiện thành công.
Kính Tri ân GS. TSKH Bùi Quốc Châu – Nhà phát minh Diện Chẩn Việt Y Đạo.
Kính Cảm ơn Cô M. Trần Lan Anh – Người khơi nguồn và nuôi dưỡng tình yêu trong ngôi nhà Hội Quán.
Thầy. Hoàng Minh Hải