TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

VÌ SAO THƯỜNG DÙNG KỸ THUẬT DÁN CAO KHI THỰC HÀNH DIỆN CHẨN BÙI QUỐC CHÂU?

VÌ SAO THƯỜNG DÙNG KỸ THUẬT DÁN CAO KHI THỰC HÀNH DIỆN CHẨN BÙI QUỐC CHÂU?

    KỸ THUẬT DÁN CAO KHI THỰC HÀNH DIỆN CHẨN

    Đối với học viên đã từng học trực tiếp từ Thầy Tổ Bùi Quốc Châu hoặc những Trung Tâm đào tạo Diện Chẩn chính thống thì sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử về Công Trình Phát Minh của Thầy. Điều đó luôn là nguồn cảm hứng và động lực rất lớn cho những thế hệ học trò tiếp bước noi theo.

    Trong thời gian đầu nghiên cứu (từ khoảng năm 1976 đến năm 1982), Thầy dùng kim để châm lên những Huyệt trên vùng mặt do Thầy tìm ra (Đây là kim do Thầy tự chế bằng thép không rỉ, lưỡi kim dài 3-4 mm, cán dài 1,2 – 1,5 cm để phù hợp với phương pháp mới này chứ không dùng kim Châm Cứu). Dù rất hiệu quả trên thực tiễn nhưng với sự Nhạy Cảm và Lòng Yêu Thương người bệnh, Thầy thấy việc dùng kim để châm có những điểm hạn chế: dễ lây nhiễm bệnh, có thể làm cho người bệnh bị đau nếu châm không đúng huyệt; có thể gây nguy hiểm và khó phổ biến vì không phải ai cũng có thể dùng kim mà tự châm lên mặt mình được. Vì vậy Thầy đã ra một quyết định mang tính lịch sử (có thể gọi đây là cuộc cách mạng trong Diện Chẩn) đó là: không dùng kim nhưng thay bằng các dụng cụ dễ thực hành như đũa thủy tinh, que dò bằng sừng trâu và que dò inox như ngày nay. Và điều cực kỳ tuyệt vời tiếp theo là kỹ thuật Dán Cao vào Huyệt. Đến đây có thể nhiều người cho rằng dán cao vào huyệt thì có gì đâu, nó đã tồn tại từ lâu rồi mà! Nhưng đây không phải là cách dán cao thông thường vì Huyệt trong Diện Chẩn là những điểm rất nhỏ. Khi thực hành dán cao trong Diện Chẩn ta sẽ phải thực hiện theo cách riêng biệt.

    Kỹ thuật Dán Cao có những ưu điểm sau:

    – Dễ thực hành: chỉ cần cắt cao rồi dán vào Huyệt và lưu cao, thành phần dược chất trong cao sẽ kích thích vào huyệt và có tác dụng lâu dài khoảng 3-4 tiếng tuỳ loại.
    – Khi dán cao theo Bộ Huyệt thì không đòi hỏi phải dán chính xác tuyệt đối vào Định Huyệt mà có thể hơi lệch chút xíu (1-2 mm) vẫn có kết quả (ví dụ: bộ Thải Độc, bộ Tiêu Viêm, bộ Tăng Sức Đề Kháng…). Và khi quan sát gương mặt đã được dán Bộ Huyệt sẽ giúp ta dễ nhớ vị trí các Huyệt.
    – Rất hiệu quả khi dán cao theo kỹ thuật Vô Chiêu. Đây là kỹ thuật dùng cho những bệnh mạn tính, cơ thể rối loạn nhiều bộ phận và còn có tác dụng tìm gốc bệnh.
    – Có thể dùng cho trẻ em (nhưng cần theo dõi sau khi dán và không nên lưu cao quá lâu)

    Vậy những trường hợp nào có thể Dán Cao?

    – Phù hợp với những bệnh mạn tính: mất ngủ kinh niên, thoái hóa xương khớp, suy nhược cơ thể, huyết áp…
    – Phù hợp cơ địa thể Hàn và mắc những bệnh do lạnh: viêm xoang, viêm mũi họng, thấp khớp, dễ nhiễm lạnh, lạnh bụng tiêu chảy…
    – Những bệnh khó, phức tạp đã chữa bằng nhiều phương pháp nhưng chưa thuyên giảm, cơ thể bị rối loạn chức năng đa nội tạng…
    ❗️Một số lưu ý khi thực hành kỹ thuật Dán Cao:
    – Thường dùng cao Salonpas loại dán nóng, cắt từng miếng vuông 4x4mm dán theo hình thoi lên huyệt.
    – Không dùng cho người bị dị ứng cao dán (biểu hiện ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, khó chịu sau khi dán cao)
    – Sau khi dán cao nên tránh gió, kiêng nước để đỡ bị nhiễm lạnh vào huyệt.
    – Lưu cao khoảng 2-3 tiếng sau khi dán, nếu thực hành vào buổi tối có thể để qua đêm sáng hôm sau bóc ra.
    – Đối với những bệnh cấp tính có thể dán cao 2-3 lần/ngày. Đối với bệnh mạn tính nên làm 1 lần/ngày.
    – Trẻ nhỏ nên dán ít huyệt, kích thước cao dán khoảng 2x2mm và lưu cao khoảng 1 tiếng sau khi dán.

    Chúc Quý Vị sẽ cảm nhận thấy những giá trị thực sự của phương pháp Dưỡng Sinh Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

    Kính Tri Ân GS TSKH Bùi Quốc Châu – Nhà Phát Minh Diện Chẩn Việt Y Đạo
    Kính Cảm Ơn cô Trần Lan Anh – Nhà Sáng Lập Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

    5/5 - (15 bình chọn)