Hãy lắng nghe cảm giác của cơ thể.
Có nhiều người sau một thời gian thực hành Diện Chẩn đã chia sẻ với tôi rằng “Học Diện Chẩn thật thú vị, vừa dễ lại vừa khó, càng đi sâu càng thấy mênh mông, nhiều kỹ thuật quá, nhiều dụng cụ quá, đôi khi không biết nên dùng cái gì cho phù hợp”.
Đúng là, nếu chúng ta nhìn vào khối lượng đồ sộ những kiến thức, phác đồ hay dụng cụ Diện Chẩn và Thầy Tổ Bùi Quốc Châu đã phát minh và sáng chế ra thì cũng choáng ngợp thật, như lạc vào rừng vậy. Các lý thuyết hay suy luận chỉ có tính hợp lý tương đối và đòi hỏi phải có nhiều trải nghiệm thực tế để ấn chứng, chưa kể đến những trường hợp bất quy tắc khiến cho mọi lý luận dường như rơi vào ngõ cụt.
Ví dụ:
“Người này hay triệu chứng này thuộc Âm hay Dương nhỉ?”
“Không biết nên lăn hay hơ hay gạch… thì hiệu quả đối với triệu chứng này?”
“Nên ấn mạnh hay day nhẹ thì phù hợp?”
Vân vân…
Lúc này, chúng ta hãy nhớ đến chữ TÙY mà Thầy Tổ Bùi Quốc Châu thường nhắc các Môn Sinh Diện Chẩn.
Vậy Tùy như thế nào?
Xin trích dẫn một câu nói của Thầy, giúp chúng ta cùng tháo gỡ những vướng mắc trên:
“CẢM GIÁC LÀ THỐNG SOÁI, THÂN XÁC LÀ VĨ ĐẠI, LÝ TRÍ LÀ NHỎ BÉ”
(Câu số 349. Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu)
Thật vậy…
– Cảm Giác là Thiên Tính, do Trời ban (hay có người gọi là Tự Nhiên, Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa…).
– Thân Xác thuộc Đất Mẹ, từ những phân tử nhỏ bé, do âm dương giao hòa mà sinh ra, là phương tiện để chuyên chở phần Tâm Thức vô hình bên trong.
– Lý Trí thuộc Nhân Tính, do học tập, rèn luyện mà có.
Cảm giác trực tiếp trên da (thuộc phạm trù Trực Giác) luôn đi trước suy nghĩ hay lý luận, nó thường cho kết quả chính xác và đáng tin cậy nhất. Cho nên, cần Lắng Nghe Cảm Giác của cơ thể. Nếu ta tự thực hành trên chính mình thì dễ hơn vì cảm giác như thế nào ta sẽ tự biết, nhưng nếu giúp cho người khác thì cần quan sát kỹ và liên tục hỏi họ để xác định cho đúng.
Với những kỹ thuật căn bản và các dụng cụ Diện Chẩn tương hợp (lăn, hơ, cào, gõ, day, ấn…), Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện nhất thời, có gì dùng nấy, các kỹ thuật tác động với dụng cụ Diện Chẩn sẽ tạo ra những dạng sóng kích thích khác nhau, thao tác nào cho sóng phù hợp thì sẽ đạt kết quả. Nên chúng ta cần THỬ CẢM GIÁC trong những lần đầu và lắng nghe để cảm nhận rõ rệt khi tác động: thấy đau buốt nhất, dễ chịu nhất, hay thích thú nhất, hoặc thấy như có dòng điện chạy, nóng bừng lên… thì sẽ biết cần phải làm như thế nào cho những trường hợp cụ thể (tác động đúng cách vào đúng sinh huyệt). Nhiều khi phải thử vài lần, với các kỹ thuật khác nhau, ở những vùng phản chiếu hay đồng ứng khác nhau mới tìm được giải pháp phù hợp, nên Thầy mới đề ra nguyên tắc Tam Biến (Biến Sinh Huyệt, Biến Đồ Hình, Biến Dụng Cụ).
Ví dụ: bị chứng đau đầu, ta dò được sinh huyệt trên trán hoặc trên một vài đầu ngón tay, hoặc sau lưng…, nhưng ấn mạnh một hồi không thấy bớt, mà lại thấy khó chịu, thì ta thử chuyển sang day nhẹ hoặc hơ ngải cứu (hoặc lăn, gõ) trên các sinh huyệt đó, với thao tác mà cho ta cảm giác dễ chịu, thích thú nhất, hay như có dòng điện chạy vào bên trong, thì triệu chứng sẽ bớt.
Tóm lại, khi thực hành Diện Chẩn, chúng ta cần Lắng Nghe Cảm Giác của cơ thể để Tùy và Biến, trên cơ sở những nguyên tắc và kỹ thuật Diện Chẩn căn bản. Việc khó sẽ trở nên dễ nếu ta biết vận dụng Tùy Biến.
Vài lời chia sẻ theo chiêm nghiệm cá nhân, có lẽ chưa được đầy đủ và thấu đáo, mong được Quý Thầy, Quý Bạn yêu Diện Chẩn góp ý để chúng ta cùng hoàn thiện hơn.
Tác giả: Thầy Huỳnh Tâm Bình
———————————
Chúng con kính tri ân Thầy Tổ Bùi Quốc Châu – Nhà Phát Minh Diện Chẩn Việt Y Đạo, đã cho chúng con những phương tiện kỳ diệu để có thể đến được Hạnh Phúc.
Kính cảm ơn Thầy Bui Minh Tri – Tổng Giám Đốc Vietmassage BQC, đã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng Hội Quán Diện Chẩn Bùi Quốc Châu.
Kính cảm ơn Cô Trần Lan Anh – Người đã gieo hạt giống Tình Yêu và Lòng Biết Ơn trong chúng tôi.
Kính cảm ơn Anh Chị Em trong gia đình Hội Quán – Ngôi Nhà kết nối Yêu Thương cùng tất cả Quý Bạn yêu Diện Chẩn.
26❤60..!