“LIỆU PHÁP (DƯỠNG SINH) VIỆT NAM – VINATHERAPY” HAY “NGHỆ THUẬT SỐNG BÙI QUỐC CHÂU”
(Bài viết này có nhiều phân tích hơi dài dòng, nếu Bạn (Quý Độc Giả) có ít thời gian thì nên lướt qua…)
Dưỡng Sinh, thực sự là gì?
Trong kho tàng kiến thức và kinh nghiệm của Nhân Loại, từ xa xưa đã xuất hiện khái niệm Dưỡng Sinh, có lẽ, đây là một nhu cầu tất yếu đi từ khởi thủy của cuộc sống, có xu hướng thuận theo các quy luật Tự Nhiên. Về mặt ngữ nghĩa, “Dưỡng” là các hoạt động duy trì, bảo vệ, nuôi nấng, chăm sóc…, còn “Sinh”, bao hàm sự Sống, sự Tăng Trưởng và tất cả các loài Sinh Vật nói chung, trong đó, Con Người đóng vai trò trung tâm. Trên thực tế, hành động Dưỡng Sinh rất phổ quát, nó bao trùm cả 3 khía cạnh: Rèn luyện thân thể, bao gồm cả chữa bệnh theo cách tự nhiên (Thể năng), Trau dồi nhận thức (Trí năng) và Tu sửa tâm tính (Tâm năng), nhưng tựu chung, đều hướng con người về trạng thái hòa hợp với Tự Nhiên, nhằm giữ được sự cân bằng, khiến thân được khỏe, tâm được an và ngày càng thăng tiến trên con đường nhận thức chân lý của đời sống và Vũ Trụ. Có thể nói, theo nghĩa rộng, Dưỡng Sinh là hoạt động trọng yếu, xuyên suốt cuộc đời của một Con Người, mặc kệ anh ta có nhận thức được đầy đủ điều đó hay không, thì nó vẫn diễn ra một cách tự nhiên. Nếu ai sớm ý thức được điều này và tìm được một phương pháp Dưỡng Sinh phù hợp cho mình, thì đời sống của người đó dễ đạt được Bình An, còn ngược lại, nếu không biết Dưỡng Sinh hoặc Dưỡng Sinh theo cách không phù hợp, thì người đó dễ bị rơi vào vòng xoáy của bệnh tật, hoang mang và bất an.
Nói theo một cách khác, Dưỡng Sinh chính là Nghệ Thuật Sống hòa hợp với Tự Nhiên.
Hầu như mỗi Dân Tộc đều có những phương cách dưỡng sinh riêng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực cư trú với những đặc thù văn hóa của mình, đồng thời có sự giao thoa và chịu ảnh hưởng từ các nền văn minh lớn. Có một số phương pháp dưỡng sinh khá toàn diện, bắt nguồn từ các nền văn minh lâu đời mà chúng ta được biết, có thể kể đến như Yoga của Ấn Độ, với đầy đủ cả 3 yếu tố như đã nêu ở trên, nhưng phương pháp này có nhiều tầng bậc tu luyện, khá phức tạp và khó thích hợp trong bối cảnh xã hội hiện đại, chưa kể đến sự khác biệt về văn hóa, cho nên, chúng ta có thể thấy, đa phần những người luyện Yoga ngày nay, nhất là ở nước ta, chỉ mới tiếp cận những tầng đầu tiên của phương pháp (luyện Thân), mà đôi khi còn cải biến, cách tân cho phù hợp với thời đại, nên có phần xa rời bản gốc, khó càng thêm khó; Nền văn minh Trung Quốc cổ xưa cũng đã hình thành nên những phép dưỡng sinh khác nhau, sau này, họ đúc rút và chọn lọc, ghép lại thành một hệ thống, trong đó sử dụng một số môn như Thái Cực Quyền, Châm Cứu, Bấm Huyệt, kết hợp Thuốc Đông Y (còn gọi là Luyện Đan)… Hệ thống Dưỡng Sinh của Trung Quốc, ngày nay còn được biết đến với cái tên Sinotherapy; Người Nhật Bản thì có Zhen (Thiền), kết hợp với Xoa Bóp và Thực Dưỡng; Người phương Tây cũng có nền dưỡng sinh đặc thù, nhưng họ chú trọng vào khía cạnh luyện Thân với rất nhiều môn thể thao phong phú mà chúng ta đều biết, như Điền Kinh, Bóng Đá, Tennis…, tất nhiên cũng có những môn giúp phát triển trí óc và tâm tính như Cờ Vua hay Golf…, kết hợp với massage, cùng chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng vi chất, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh cao; Ngoài ra, cũng cần kể đến các môn Võ Thuật/Võ Đạo mà Đông hay Tây đều có, luyện võ là phương cách dưỡng sinh khá toàn diện, nhưng đòi hỏi tốn nhiều thời gian công phu và thường bị hạn chế bởi tính chiến đấu (dễ gây chấn thương và khiến tâm bất an), cho nên cũng khó phù hợp với đại chúng.
Dân Tộc Việt Nam chúng ta, nhìn thì có vẻ nhỏ bé ở trên bản đồ Thế Giới ngày nay, nhưng thực ra, lại có một nền tảng văn hóa sâu sắc và rất lâu đời, bắt nguồn từ cái nôi Bách Việt xưa (phân bố ở khắp vùng bờ nam sông Dương Tử) với triết lý Âm Dương đã thấm sâu vào xương thịt qua bao nhiêu thế hệ. Gần đây, đã có những nghiên cứu về lịch sử cho thấy rằng, nguồn gốc của Kinh Dịch (một trong 5 bộ Kinh quan trọng của nền văn minh Đông Á cổ đại, dựa trên nguyên lý Âm Dương) cũng được sản sinh từ cái nôi này, hơn nữa, lại có uyên nguyên sâu xa với bộ tộc Lạc Việt tổ tiên chúng ta, rồi về nguồn gốc của chữ Khoa Đẩu (hình con Nòng Nọc) – Chữ Viết của người Việt cổ (phần này, nếu Quý Độc Giả muốn tìm hiểu kỹ hơn, thì có thể tham khảo thêm trên các chuyên trang về Lịch Sử)…
Xin lỗi đã hơi dông dài, nhưng qua đó, chúng tôi muốn nói lên rằng, một nền văn hóa có truyền thống đặc sắc và nhiều giá trị to lớn như dân tộc Việt chúng ta, ắt phải có những kỹ năng Dưỡng Sinh độc đáo riêng, mà không phải vay mượn ở bên ngoài. Quả vậy, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những kiến thức và kinh nghiệm quý cho đời sống nói chung và cho khía cạnh dưỡng sinh cũng như chữa bệnh nói riêng trong dân gian, nhất là ở kho tàng Cao Dao, Tục Ngữ của người Việt đã lưu truyền hàng ngàn đời nay, ví dụ như “Một quả cà, bằng ba thang thuốc”; “Đái dắt rau ngót, đái buốt rau sam”; “Đau bụng lấy bụng mà chườm, nhược bằng không khỏi hoắc hương với gừng”; “Ăn cơm không rau, như đau không thuốc”; “Sáng thời xoa mặt, tối thời xoa chân”…, nhiều lắm. Nhưng những kinh nghiệm này, ngày nay thường được biết đến và vận dụng một cách rời rạc, thiên về tính chất “Mẹo”, mà thiếu lý luận hệ thống. Có thể, ở những tầng sâu trong lịch sử của dân tộc ta, đã từng có những công trình rất hoàn thiện, nhưng do nhiều biến động thăng trầm, nhất là ở các thời kỳ đô hộ kéo dài, đã bị xóa nhòa, bị cắt xén hoặc bị phủ lên bởi những cái vỏ khác.
Cho đến khi, một Con Người Việt Nam rất đặc biệt, được ơn của Tạo Hóa, đã tìm ra từ trong nguồn cội và xây dựng nên một nền Dưỡng Sinh tân kỳ, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt…
Thầy Bùi Quốc Châu, là một nhà nghiên cứu Y Học Tự Nhiên, nghiên cứu Văn Hóa Dân Gian và đặc biệt đam mê Ngôn Ngữ Việt, nhưng trên hết, Thầy có một tấm lòng yêu thương Con Người, yêu Đất Nước và tự hào Dân Tộc vô hạn. Chính nhờ tình cảm nhiệt thành ấy, mà Thầy đã không quản ngại biết bao gian truân, thị phi đời thường, để dành tâm huyết, mày mò khám phá và làm phát lộ ra cả một kho tàng vĩ đại của Tạo Hóa, đã dành tặng cho Nhân Loại, thông qua Tổ Tiên chúng ta, mà đại biểu nhất là Tiếng Việt.
“Một phương pháp y học hay có thể góp phần đưa dân tộc đi lên”
(Trích Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu, câu số 1089)
Thật vậy, có rất nhiều điều kỳ diệu ẩn chứa ngay trong chính ngôn ngữ mà chúng ta vẫn thường sử dụng hàng ngày, nhờ đó, Thầy Bùi Quốc Châu đã tìm ra lý thuyết Phản Chiếu Đa Chiều, lý thuyết Đồng Ứng, cơ chế Phản Xạ Thần Kinh Đa Hệ trên da, lý thuyết Đồng Bộ… (có tới 20 thuyết), đều là những quy luật vốn có trong tự nhiên, nay được Thầy phát hiện hoặc vận dụng theo cách riêng trong một hệ thống lý luận logic chặt chẽ, hình thành nên một phương pháp Dưỡng Sinh rất toàn diện, bao hàm đầy đủ cả 3 yếu tố (Thân, Trí, Tâm). Đặc biệt trong đó, nguyên lý Âm Dương đã được khai thác một cách sáng tạo, ở những tầm mức sâu sắc, có tính ứng dụng cao. Nhờ những công trình phát minh có tầm cỡ Nhân Loại như vậy, mà Thầy đã được các tổ chức khoa học uy tín trên thế giới công nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như “Giáo Sư, Tiến Sĩ Khoa Học Danh Dự”, “Ngôi Sao Châu Á”, “Thầy Thuốc nổi tiếng thế giới”…
Vậy, phương pháp Dưỡng Sinh mang tính đặc thù của Người Việt chúng ta, đã được GS.TSKH Bùi Quốc Châu khai thác và xây dựng, bao gồm những gì? Và hiệu quả ứng dụng ra sao?
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu và chứng nghiệm (nếu Bạn tin tưởng tập luyện)…
Nếu liệt kê ra tất cả những công trình phát minh của Thầy Bùi Quốc Châu thì rất có thể sẽ khiến Bạn Đọc thấy hoang mang, vì quá nhiều và đa dạng thông tin, như lạc vào rừng vậy. Ở đây, chúng tôi chỉ vận dụng một số phát kiến quan trọng của Thầy, để chúng ta có một phương pháp Dưỡng Sinh cụ thể, dễ dàng, mạch lạc trong tập luyện và có khả năng tự phát triển, đi sâu được mãi, có thể giúp mỗi người tự khám phá ra những khả năng vô cùng vô tận vốn có trong mình. Nhằm đạt tới và luôn duy trì được trạng thái Khỏe Mạnh về Thân, Sáng Suốt về Trí và Bình An trong Tâm, mục đích cuối cùng là giúp Con Người có được Tự Do, Hạnh Phúc ngay tại đây, trong bất kỳ hoàn cảnh nào và dần tiệm cận đến Chân – Thiện – Mỹ.
Phép Dưỡng Sinh mà Thầy Bùi Quốc Châu xây dựng cho chúng ta, có 3 trụ cột chính, vững chắc như cái kiềng 3 chân vậy, lại có thêm một số yếu tố phụ trợ nữa, cụ thể như sau:
Trụ cột thứ nhất, nhằm nâng cao Thể Năng: là môn Thể Dục Tự Ý, chuyên cho việc luyện Thân rất kỳ diệu, đồng thời cũng hỗ trợ rèn Tâm sửa Tính, được Thầy sáng tạo ra nhờ vào óc quan sát tinh tế và khả năng “siêu đúc kết” từ các hiện tượng, quy luật trong tự nhiên. Khai thác triệt để tính Đồng Bộ trong một động tác, phối hợp tinh xảo và đủ độ các yếu tố Tâm – Ý – Khí – Lực, để đạt được hiệu quả lưu thông khí huyết cho toàn bộ cơ thể, hoặc tập trung khai thông tắc nghẽn cho một bộ phận cụ thể nào đó một cách rất nhanh chóng. Điều đặc biệt nhất là nó có khả năng phát triển không giới hạn để thích ứng với bất kỳ vấn đề bất ổn nào trong cơ thể, đồng thời, đáp ứng được với mọi đối tượng người tập, từ người già đến trẻ em, thậm chí phụ nữ đang mang thai cũng có những động tác tập luyện phù hợp. Mong rằng, trong một tương lai gần, Người Việt chúng ta sẽ được phổ cập và thực sự yêu mến, cũng như thấy được lợi ích to lớn từ môn Thể Dục Tự Ý Bùi Quốc Châu này, thay vì phải chạy theo những phương pháp “nhập ngoại”, vừa khó khăn, vừa tốn kém, do khác biệt về điều kiện vật chất cũng như văn hóa, mà chưa chắc đã ưu việt hơn. Chúng ta có thể thấy, nó trọn vẹn trong vai trò là một phương pháp rèn luyện Thân Thể mang tính toàn diện, hơn nữa, còn có khả năng hỗ trợ trị liệu cho các vấn đề bệnh tật khác nhau. Cũng cần phải nói thêm, môn Thể Dục này, đã trở thành một nền tảng quan trọng để phát triển nên một công trình đặc biệt khác – môn Diện Chẩn Y Võ.
Trụ cột thứ 2, nhằm trau dồi và phát triển Trí Năng: với phần chủ đạo nằm trong tác phẩm Tâm Ngôn Bùi Quốc Châu, đây là một công trình rất đặc biệt, có chiều dài xuyên suốt những năm tháng trăn trở của Nhà Phát Minh, có thể tính từ những năm đầu của thập niên 60 cho đến hôm nay và vẫn còn tiếp tục phát triển nữa. Đây là những đúc kết rất cô đọng về nhiều khía cạnh quan trọng trong tự nhiên cũng như trong đời sống, đúng với các quy luật hiện hữu, dưới góc nhìn chân thực của một Nhà Phát Minh vĩ đại, một Bậc Minh Triết. Khi chúng ta đọc, hoặc nghe và chiêm nghiệm về những “Lời nói từ Trái Tim” này của Thầy, sẽ giúp cho mỗi người nhận ra chính mình ở trong đó. Đặc biệt, nếu được nghe chính Thầy hoặc Truyền Nhân của Thầy phân tích sâu về ý nghĩa cũng như các ứng dụng trên thực tế, thì vô cùng giá trị, không những giúp chúng ta có một Thế Giới Quan và Nhân Sinh Quan đúng đắn, sáng sủa, mà còn khơi dậy được những cảm xúc tích cực, những tiềm năng đang ẩn chứa sẵn trong mỗi con người. Trên thực tế, đã khiến cho nhiều cuộc đời được chuyển sang những trang mới, với Ánh Sáng, Tình Yêu và đầy Năng Lượng tích cực… Ngoài ra, việc tìm hiểu, nghiên cứu về các nguyên lý trong môn Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp Bùi Quốc Châu, cũng sẽ giúp củng cố cho nền tảng nhận thức quy luật tự nhiên của chúng ta được thêm vững chắc, và vận dụng vào đời sống được nhiều giá trị hữu ích, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trụ cột thứ 3: có khả năng bao trùm cả 3 khía cạnh của Dưỡng Sinh, tuy nhiên, mục tiêu chính là nhắm vào khía cạnh phát triển Tâm Năng. Như chúng ta đã biết, xưa nay, một phép “luyện Khí, điều Ý” là yếu tố trụ cột chính, tất yếu phải có trong bất kỳ trường phái dưỡng sinh nào. Với “Liệu pháp (Dưỡng Sinh) Việt Nam” của chúng ta, thì phương tiện chủ đạo này chính là môn Âm Dương Khí Công Bùi Quốc Châu, đã được Thầy nghiên cứu và sáng tạo ra từ những thập niên 60 của thế kỷ 20. Đây là một môn công phu rất đặc biệt, do cách tập luyện khá dễ mà lại rất an toàn, nhưng người tập vẫn có thể thu hoạch được kết quả ngay từ những ngày đầu tiên, và càng đi sâu vào rèn luyện, càng lâu ngày, thì kết quả càng lớn, có thể thấy thật là mênh mang, như vô cùng vô tận vậy. Tác dụng của ADKC, ngoài việc giúp cân bằng, nâng cao thể trạng, thì hiệu quả chính yếu nằm ở khía cạnh khai Tâm mở Trí, khiến người tập có thể chủ động điều chỉnh và làm chủ Cảm Xúc của mình. Theo thời gian tập luyện ADKC, thì khả năng tăng cường liên kết của các noron thần kinh, sự thanh lọc và nâng cấp tới từng tế bào trong cơ thể ngày càng cao, khiến cho các phản xạ về quan sát, tư duy cũng như hành động ngày càng nhạy bén hơn, thể chất cũng nhờ đó mà dần biến chuyển theo chiều hướng tích cực, và năng lượng trong người sẽ có sự rung động ở tần số ngày càng cao, có thể dễ dàng kiểm chứng qua những biểu hiện hữu hình, như cơ thể bắt đầu thải độc sau một vài tuần hay một vài tháng tập luyện và liên tục duy trì trạng thái thanh lọc này nếu chúng ta rèn luyện thường xuyên, rồi khi đã được thanh lọc tới một ngưỡng nhất định, thì cơ thể toát ra mùi thơm tự nhiên (kể cả tinh dịch hay âm dịch)… Mặt khác, chúng ta có thể dùng năng lượng tích lũy được qua quá trình rèn luyện để tự giúp bản thân mình hay giúp cho người khác điều chỉnh những bất ổn do bệnh tật gây nên, khi đã đạt đến trình độ nhất định… Còn rất nhiều hiệu quả kỳ diệu khác do việc tập luyện ADKC đem lại, không thể kể hết được trong khuôn khổ bài viết có tính khái quát này. Cuối cùng, ADKC có khả năng giúp chúng ta nhận chân được các giá trị trong tự nhiên, chủ động đạt tới Bình An, là cảnh giới tối cao mà mọi hoạt động Dưỡng Sinh đều hướng đến. Cho nên, ADKC còn được biết đến với tư cách là một pháp “Thiền Đốn Ngộ”, có thể giúp con người khai mở “Vô Sư Trí” (Trí Huệ), sự giác ngộ thông qua tự rèn luyện mà thành, không cần có một người Thầy cụ thể dẫn dắt. (Phần này, có lược dẫn từ những thực chứng của chính Thầy Bùi Quốc Châu, cùng báo cáo kết quả tập luyện của nhiều học viên).
Vinatherapy
Ngoài ra, với những kỹ năng hỗ trợ đặc hiệu khác như tác động bằng Diện Chẩn, hay vận dụng các nguyên tắc Ẩm Thực Dưỡng Sinh để điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho phù hợp, thậm chí, sâu xa hơn nữa, Thầy Bùi Quốc Châu còn trang bị cho chúng ta cả những kỹ năng về Thai Giáo, nuôi dạy con theo cách tối ưu ngay từ trong bụng mẹ và cả Dục Lạc Y Kinh nữa (cách điều chỉnh và cải thiện chất lượng đời sống hôn nhân)… Tất cả những công trình ấy, cấu thành một hệ thống Dưỡng Sinh thực sự hoàn hảo, thậm chí vượt xa nhiều phương pháp Dưỡng Sinh khác đang thịnh hành trên thế giới về tính toàn diện và tính đại chúng, xứng tầm là một Nghệ Thuật Sống, một con đường tu dưỡng đặc thù riêng, mang đậm nét văn hóa của Người Việt chúng ta, mang tên Bùi Quốc Châu. Bạn thử hình dung, nếu có nhiều người Việt Nam tin và dùng phương pháp Dưỡng Sinh này thì sau vài chục năm nữa, Dân Tộc ta có phải trở thành một giống nòi rất đặc biệt, hạnh phúc và mạnh mẽ hay không?
Phương pháp này còn được thế giới biết đến với tên gọi Vinatherapy.
Những cống hiến của Thầy Bùi Quốc Châu, nhằm phục vụ cho đời sống của con người thật lớn lao vô cùng, đúng như lời nhận xét của một nhà khoa học lớn: “Căn cứ vào toàn bộ phát minh của Ông, người ta phải công nhận rằng, Giáo Sư Bùi Quốc Châu là một Thầy Thuốc thiên tài, và là một Ân Nhân của Nhân Loại” (Trích lời tựa do Giáo Sư Jean Pierre Willem – Bác Sĩ giải phẫu/Nhà Nhân Loại học, viết cho cuốn sách “ABC du Dien Chan”, phát hành tại Cộng hòa Pháp và Châu Âu năm 2009).
Kính Tri Ân công đức to lớn của Thầy!
26/09/2021
Huỳnh Tâm Bình.