TÀI LIỆU, TIN TỨC

NHỮNG NỀN TẢNG TRIẾT HỌC CỦA DIỆN CHẨN

    NHỮNG NỀN TẢNG TRIẾT HỌC CỦA DIỆN CHẨN

    Diện Chẩn dựa trên nền tảng triết học phương Đông, hay nói chính xác hơn là dựa trên những nguyên tắc của thuyết nhất nguyên luận (đối nghịch với nhị nguyên luận) cộng với những nguyên tắc của thuyết tương đối động.

    NHẤT NGUYÊN LUẬN

    Diện Chẩn diễn giải ở cấp độ điều trị thuyết nhất nguyên luận của triết học phương Đông một cách linh hoạt và sáng tạo. Qua đó chúng ta sẽ thấy:
    • Âm là Dương và Dương là Âm
    • Thấp là Cao và Cao là Thấp
    • Trong là Ngoài và Ngoài là Trong
    • Trước là Sau và Sau là Trước
    • Phải là Trái và Trái là Phải
    • Cái gì ở xa là gần, cái mà ở gần lại xa • Phức tạp là đơn giản, đơn giản là phức tạp.

    Mặc dù những khẳng định này có vẻ như mâu thuẫn, nó không theo cách nhìn thông thường mà dựa trên tinh thần của chữ “Tùy”, “Thời”, và “Vị”. Có nghĩa là nếu ta thay đổi thời gian và/hoặc không gian, một sự vật có thể khác đi, đôi khi đối nghịch với cái cũ, giống như Âm trở thành Dương và ngược lại.

    Điều này đã đặt lại mọi thứ trong một hệ thống đa chiều, đối nghịch với hệ thống phẳng cổ điển. Thuyết nhất nguyên luận đã cho thấy “tất cả là một” và “một là tất cả”. Trong Diện Chẩn, câu này được minh họa bởi nhiều ví dụ, chẳng hạn như: “Nếu xem một ngón tay là toàn bộ cơ thể, thì ta cũng có thể thấy được ngón tay trên những đồ hình của cơ thể”.

    Âm/Dương và Dương/Âm có nghĩa là Âm và Dương không thể tách rời, tạo nên một cái toàn thể (đó là Thái cực). Do đó ta thấy trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Khi tác động vào Âm người ta sẽ có những ảnh hưởng đến Dương và ngược lại.

    Dưới/Trên và Trên/Dưới: chân liên quan tới đầu, nên khi đau đầu, người ta điều trị ở chân.

    Trong/Ngoài: những chứng bệnh bên trong phản ánh ra bên ngoài của cơ thể. Những cơn đau bên ngoài có thể giúp chúng ta hiểu được các bệnh tật bên trong.

    Trước/Sau và Sau/Trước: khi đau bụng ta có thể chữa ở lưng và ngược lại.

    Phải/Trái: khi đau ở bàn tay phải có thể điều trị trên bàn tay trái theo đúng vị trí và ngược lại.

    Xa/Gần và Gần/Xa: ta không nhất thiết phải điều trị trong vùng đang đau mà có thể điều trị ở xa. Ví dụ như đau lưng thì có thể chữa trên mũi.

    Tư tưởng này của Diện Chẩn ngược lại với cái nhìn của nhà triết học Aristote về sự khác biệt giữa A, B, C, D.

    Theo quan điểm của nhất nguyên luận thì A = B = C = D với tất cả những thuộc tính của nó.

    Ví dụ:
    Nếu A = lông mày, B = cánh tay, C = vòi trứng, D = cột sống, khi người ta điều trị bằng Diện Chẩn, một sự tác động ở lông mày có thể hiệu quả cho cánh tay, vòi trứng hoặc cột sống. Như thế A có thể là B, A cũng có thể là C hoặc là D theo những đồ hình phản chiếu và bệnh ở thời điểm đó. Diện Chẩn giữ một cách nhìn tổng quát và thống nhất của cơ thể, nó khác với y học phương Tây vốn tách rời và phân biệt các bộ phận trong cơ thể.

    Diện Chẩn chú ý tới sự liên hệ phức tạp trong cơ thể và luôn được đặt trong một hệ thống đa chiều. Những tác động của chúng ta sẽ được gửi tới não và não sẽ chỉ đạo đưa khí về phía các bộ phận yếu kém trong cơ thể. Chúng ta phải học cách giữ một cái nhìn vấn đề tổng quát để có thể tạo ra sự kết nối đa phản xạ độc đáo của Diện Chẩn.

    Điều này rất quan trọng để không bị lạc lối và xem phương pháp này là không thể thực hiện được. Nó cũng giống như khi ta thử so sánh hình học phẳng với hình học không gian của Lobachevsky. Nói cách khác, chúng ta phải sử dụng những tư duy tổng quát thay thế cho tư duy đơn chiều và học sắp đặt lại mọi cái trong ngữ cảnh đa chiều thay cho hệ thống tuyến tính cổ điển. Chúng ta phải có khả năng xem xét nhiều khía cạnh của một sự vật, tùy theo các mốc thời gian và không gian mà nó được đặt vào. Chúng ta phải học quan sát thuyết tương đối động vốn chi phối tất cả mọi thứ.

    TƯƠNG ĐỐI LUẬN

    Trong y học, tất cả có liên quan tới nhau, cũng giống như trong vũ trụ. Kinh dịch đã nhấn mạnh tính chất này thông qua sự mô tả vũ trụ và sự thay đổi thường trực của nó, trong đó tất cả mọi thứ tuân theo những quy luật biến đổi của vũ trụ.

    Chữ “Tùy” tự nó đã chỉ ra một cách đơn giản và ngắn gọn tương đối luận của Diện Chẩn. Người ta có thể hiểu chữ “tùy” theo nghĩa “phụ thuộc vào”, “theo từng trường hợp”, điều đó khiến chúng ta nghĩ đến một sự thích nghi thường trực. Vì lý do này không có dụng cụ nào là hoàn hảo trong Diện Chẩn, chỉ có dụng cụ thích nghi tốt nhất cho tình trạng lúc đó. Cũng như vậy, tất cả các phác đồ điều trị, tất cả những đồ hình hoặc huyệt đạo đều là không cố định, không thường xuyên. Nói cách khác, không có phương pháp điều trị nào là hoàn hảo, không có thuốc trị bách bệnh. Không có cái gì là tuyệt đối, chỉ có sự thích nghi cho mỗi trường hợp và mỗi loại bệnh tùy theo tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.

    Sự điều trị trong Diện Chẩn phải được dựa trên nền tảng lý thuyết này để chọn lựa thủ pháp và dụng cụ thích nghi cho mỗi trường hợp. Điều này cho phép ta có rất nhiều khả năng chữa bệnh, giống như một chiếc kính vạn hoa phản chiếu nhiều khía cạnh.

    Lý luận và thực tiễn không bao giờ cố định mà luôn tiến triển trong không gian và thời gian. Chính vì thế ta không nên cứng nhắc, từ thói quen đến định kiến, điều đó sẽ cản trở chúng ta đạt đến những kết quả tốt đẹp.

    Cũng như câu thành ngữ “tất cả mọi con đường đều dẫn tới Rome”, có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề, nhiều cách thức để chữa trị cho một người. Giá trị của một thứ phụ thuộc vào mối tương quan giữa nó và môi trường. Do vậy, một tiếng đồng hồ gần gũi với người yêu sẽ ngắn hơn nhiều so với một phút ngồi trên lò lửa – ví dụ này mô tả rõ ràng thuyết tương đối của Einstein.

    Một dụng cụ thích nghi cho người này chưa chắc đã thích nghi với người khác. Một dụng cụ có thể rất hiệu quả cho ngày hôm nay nhưng lại trở thành không phù hợp ngay ngày hôm sau. Điều đó cũng đúng với các huyệt đạo và đồ hình phản chiếu mà hiệu quả của chúng có thể thay đổi từ ngày này qua ngày khác.

    Có thể nói, tất cả những nguyên tắc cơ bản này đã giúp tôi xác định phương pháp Diện Chẩn, được thừa kế từ ba dòng y học chính: y học truyền thống, hiện đại và dân gian, đồng thời có điểm khởi đầu nằm trong khoa học con người, tức là triết học, văn học, ngôn ngữ, tướng mạo học. Nói tóm lại, Diện Chẩn là thành quả của văn minh Việt Nam với tất cả những tính chất tổng hợp toàn diện và cân đối của nó.

    5/5 - (2 bình chọn)