TIN TỨC

Truân chuyên đường tới Việt Y Đạo

ý nghĩa cách chào diện chẩn

    Hai mươi năm trước, từ Rạch Giá, tôi đến với các bạn mình ở Trung tâm Y sinh thuộc Học viện Quân y tại thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây tôi được nghe anh Bùi Quốc Châu nói về Việt y đạo. Tôi nhận ra đó là sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ Việt. Tôi chắc rằng sự nghiệp của anh thuận buồm xuôi gió. Nay gặp lại anh, tôi biết mình lầm. Sự đời không êm xuôi vậy…

    I. Những người nổi tiếng ca tụng một thiên tài.

    Xin nói trước, sự tôn xưng lớn lao này không phải của tôi mà của vị trí thức hàng đầu của Việt Nam, Giáo sư Trần Kim Thạch. Ông viết :

    “Thân gởi bạn Bùi Quốc Châu, một thiên tài y học của Việt Nam.

    Tôi bị trụy tim vì lao tâm lao trí trong mấy công trình nghiên cứu một lúc: Điều nghiên Côn Đảo, Quy hoạch rừng Sát Cửa Dinh, Điều tra tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long. Đi bệnh viện và uống thuốc không hết, đành chịu khổ mấy tháng liền cho tới khi ngã quỵ.

    Đêm nay đến thăm anh Châu, được anh truyền cho năng lực qua một điểm ở gò má. Tôi cảm thấy một luồng nóng chạy vào người, tràn xuống ngực trái, và lạ thay, trong người khỏe hẳn ra.

    Sau đó anh Châu còn dò huyệt trên mặt, chẩn luôn những bệnh và tật trong người  mà chỉ có tôi biết, như về thận, phổi… Kỳ diệu thay lý luận và thực tiễn kết làm một!
    Tôi theo con đường khoa học từ nhỏ đến lớn, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa học tại một đại học danh tiếng của nước Anh, nay mới thấy được một điều vô cùng khoa học và biện chứng. Con người tuy phức tạp dường ấy, nhưng vừa là một dạng của năng lượng vừa là một bộ máy chỉ có thể chạy bằng năng lượng của vũ trụ, nếu biết được quy luật vận hành của nó thì giúp nó được trở thành vạn năng. Người biết nó một cách phân tích chi li thì quá nhiều, người biết nó một cách tổng hợp thì quá ít. Anh Châu quả là một thiên tài mà sách vở kinh điển không chứa đựng nổi.

    18.7.87

    Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

    “Sống ở thành phố Hồ Chí Minh mấy năm nay, tôi được nghe rất nhiều ý kiến khác nhau về công việc làm của anh Bùi Quốc Châu.

    Hôm nay đích thân đến thăm anh Bùi Quốc Châu, tôi thấy công việc của anh BQ Châu đã làm và tiếp tục làm không khác gì tình trạng của những phương pháp chữa bệnh dùng thuốc của nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam: kết quả thì có nhưng giải thích theo như logic của y học khoa học mà mọi người đã được học thì không được. Do đó chỉ có một con đường: cứ làm. Quần chúng bệnh nhân khỏi bệnh là người thầy cãi hùng hồn nhất. Thành ủy và Ủy ban để cho anh làm thế là tốt và là đủ. Thời gian sẽ trả lời. Và tôi tin công việc của anh BQ Châu trước sau cũng sáng tỏ.

    Tôi tin rằng anh sẽ thành công. Anh hãy còn trẻ quá. Anh sẽ thấy được kết quả rực rỡ công việc của anh. Trước mắt anh hãy vui trước kết quả khỏi bệnh của những bênh nhân họ đã tìm đến anh và vui mừng trước những kết quà do anh chữa cho người ta.”

    TP Hồ Chí Minh 18.X.87

    Học giả Giản Chi :

    “… Rồi mới đây, tôi có duyên may lại được hầu chuyện Bác sĩ, tôi nhận thấy Bác sĩ là một học giả bác học, đa văn và độc đáo…Thật là kỳ diệu. Tiếp Bác sĩ, tôi liên tưởng đến bậc tiên hiền Hải Thượng Lãn Ông xưa. Đâu chỉ Trung Quốc mới có Hoa Đà, Biển Thước.”

    Tp HCM 13.10. 94

    Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Y tế :

    “Biệp pháp chữa trị tốt nhất, theo tôi, là “tự mình chữa bệnh cho mình”

    Trung tâm Diện chẩn-điều khiển liệu pháp đã thực hiện ý trên !

    Rất hoan nghênh lương y Bùi Quốc Châu đã trao cho bệnh nhân phương pháp đó. Mong sao mỗi người VN nắm vững phương pháp để phòng bệnh và chữa bệnh cho mình và giúp đỡ đồng bào với dụng cụ đơn giản: một cây kim, một cái gõ bằng cao su, một cây hương, một chiếc lược với một tấm keo dán và một cái gương soi mặt mà đem lại hạnh phúc cho người đau khổ.

    Kiên trì giúp đồng bào, đồng bào sẽ cho ta phần thưởng cao quý nhất!”

    11. 2.1981

    Giáo sư Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế

    “Thành phố Hồ Chí Minh 7-1-1989

    Tôi được nghe anh Bùi Uốc Châu báo cáo về phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn-điều khiển liệu pháp vào các huyệt vùng mặt, đầu, cổ, gáy. Tôi khuyến khích phương pháp này.
    Tôi sẽ tổ chức hội nghị đánh giá theo những tiêu chuẩn pháp quy hiện hành.

    Tôi hy vọng tôi sẽ có đủ tài liệu để công nhận phương pháp chữa bênh này.

    Tôi chúc anh Châu và các cộng sự sức khỏe, kiên trì khắc phục khó khăn, khẳng định giá trị phương pháp chữa bệnh của mình.”

    Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
    “Lĩnh vực rất mới. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và qua thực tiễn mà xác định những hướng nào thu được nhiều kết quả nhất. Nói tóm, thực tiễn phải là căn cứ để đánh giá một phương pháp trị liệu.

    Chúc tiếp tục cố gắng.”

    Thành phố Hồ Chí Minh, Tết Canh Ngọ (1990)

    Kayxỏn Phomvihẳn Chủ tịch nước Lào

    “Vientiane ngày 29-1-1992

    Đồng chí Bùi Quốc Châu,

    Qua một buổi nói chuyện và tiếp xúc với đồng chí, tôi rất cảm kích. Đồng chí đã dùng một phương pháp rất mới để chữa bệnh và luyện tập khí công mà hiện nay tôi đang cố gắng luyện tập. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là đồng chí đã cố tìm tòi phương pháp rất mới phát triển lên một bước những phương pháp đã quen dùng. Phương pháp mới tiếp thu có chọn lọc và có sáng tạo và cải tiến những phương pháp hay dùng. Điều đáng nói nhất là phương pháp mới của đồng chí rất đơn giản nhưng làm có hiệu quả khá cao. Tôi suy nghĩ, nếu đồng chí tiếp tục suy nghĩ nghiên cứu và nâng cao qua thực tiễn thì phương pháp mới này sẽ có lợi cho nhân dân bảo vệ sức khỏe chống lại bệnh tật và đó là thiết thực đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
    Cảm ơn đồng chí và chúc đồng chí và gia đình có sức khỏe và đạt nhiều thành tích mới trong lĩnh vực chữa bệnh mà đồng chí đang tiến hành.

    Chúc Tết vui vẻ.”

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

    “Tôi quen Bùi Quốc Châu đã rất nhiều năm. Quen như một người bạn gặp một người bạn. Dạo ấy hồi chưa có ý định tìm hểu về Diện chẩn hoặc những gì liên quan đến vấn đề chữa bệnh của Bùi Quốc Châu. Nhưng rồi tên tuổi của Bùi Quớc Châu cứ mỗi ngày một lan rộng và trở thành quen thuộc trên môi miệng của những người ít nhiều quan tâm đến sức khỏe của chính mình.

    Thế rồi, trong câu chuyện ở mỗi lần gặp gỡ, anh Châu và tôi thường vô tình  để mình lạc vào những mộng tưởng y học lúc nào không hay. Bao giờ cũng bắt đầu bằng những câu chuyện triết học dẫn đến những tư tưởng mênh mông của phương Đông rồi chuyển qua những câu chuyện dân gian dẫn về những con đường hương hoa mờ ảo của ca dao, tục ngữ. Cái lý thú ở đây không phải là bàn luận về triết học, về ca dao mà từ cõi tư tưởng và thi ca đó, Bùi Quốc Châu đã phát hiện ra những ý đồ tiềm ẩn của một nền y học vừa mang tính cách dân gian vừa bác học của phương Đông.

    Từ đó tôi bắt đầu tin vào các phương pháp suy diễn không mộng mị chút nào của anh Bùi Quốc Châu và cũng từ đó tôi thể nghiệm trên chính bản thân mình. Đã có những kết quả trông thấy ngay như trị bệnh đau bụng trong phút chốc. Và đi xa hơn nữa, tôi thử tập thở theo phương pháp âm dương khí công. Lại cũng có kết quả riêng cho mình.

    Cái hay và cái quyến rũ trong những phương pháp mà anh Châu đề xuất và đã từng thể nghiệm trên những bệnh nhân của mình là sự đơn giản đầy chắt lọc để sau đó làm cái vốn liếng riêng cho mỗi con bệnh có thể tự chữa lấy cho mình. Cái mệnh đề “Mỗi con bệnh tự mình là một thầy thuốc” nếu trở thành phổ biến và hiệu quả thì trên con đường Đông y tôi cho rằng không thể có con đường nào hạnh phúc hơn.

    Niềm đam mê của Bùi Quốc Châu là sự say sưa đi tìm và sáng tạo. Ở trong Bùi Quốc Châu có một mầm mống đốn ngộ của một Đạo sĩ Nghệ sĩ. Anh ước mơ mở ra một chân trời Y Đạo thuần túy Việt Nam (Việt Y Đạo). Cái ước mơ ấy quá đẹp nhưng không phải được dễ dàng chấp nhận bởi bất cứ ai.

    Tôi đã được đọc những bản tin, những bài viết về Bùi Quốc Châu trên những tạp chí y học của Pháp, Mỹ, Cuba, Liên xô (cũ) và cũng đã nghe trên các đài phát thanh quốc tế… và thấy họ ca tụng một cách thích thú những phương pháp chữa trị ấy. Y cụ đơn giản quá vì chỉ với ngón tay hoặc đầu nhọn của bút bi là bạn có thể tự chữa được vài cơn đau nhỏ cho mình (Diện Chẩn) và tôi cũng từng được anh Châu chữa bằng Âm Dương khí công mà không cần tiếp xúc vào người.

    Tôi nghĩ rằng nếu ngành y tế trong nước quan tâm và tạo điều kiện gúp đỡ thì những phương pháp độc đáo này sẽ có cơ hội mang đến những lợi ích vô cùng thiết thực vừa phù hợp với điều kiện của một xã hội chưa bị ô nhiễm trầm trọng bởi thuốc men đủ loại từ các phòng thí nghiệp phương Tây.
    Phòng thí nghiệm của Bùi Quốc châu chính là cuộc đời và từ cuộc đời anh phát hiện ra cái huyệt cần phải đặt một ngón tay lên đó giải tỏa cơn đau.

    3.94

    Tạp chí Thérapeutiques Naturelles (Pháp) số 101 tháng 10-11. 1992 gọi Bùi Quốc Châu là « một nhà khoa học, một thầy thuốc lớn, dầu ấn của một trí tuệ lớn » (un homme de sciences, un grand médecin, un être empreint d’une grande spiritualité).

    Đoàn đại biểu Phân viện Viễn Đông Viện Hàn lâm Khoa học Liên xô gọi  Bùi quốc Châu là « một giáo sư đã đạt được một bước mới trong việc phát triển thêm ngành y học cổ truyền của Việt Nam… bảo đảm cho hướng nghiên cứu này một tương lai bền vững vá xán lạn…Một trong những người sáng lập ra phương hướng mới của nền y học cổ truyền Việt Nam. » (18.10.1988).

    Sau 8 tháng được mời sang giảng dạy tại Công hòa Cuba, ngày 28.1.1989, Đại sứ Cuba Armando viết về Bùi Quốc Châu: « Chúng tôi xin cảm ơn đồng chí về những kinh nghiệm mà đồng chí đã truyền đạt tới các bác sĩ chúng tôi trong chuyến đi Cuba của đồng chí và mong chờ đồng chí trở lại Cuba để tiếp tục truyền đạt những kinh nghiệm của đồng chí »

    Sau những ngày được mời sang chữa bệnh ở Liên xô, Phó tổng Biên tập báo Lao động (Trud) viết : « Hình như bác sĩ Châu cùng các bạn đồng nghiệp Việt Nam và Liên xô của ông đã tiến rất gần đến thần thoại. »

    Trong bản dịch tiếng Anh (nguyện bản tiếng Pháp, đã được dịch sang tiếng Anh, Đức, Tây Ban Nha) cuốn « Diện phản xạ học » (Facial Reflexology. A self-care manual”, Tiến sĩ, bác sĩ người Pháp Marie-France Muller viết :

    « Phản xạ học vùng mặt từ lâu đã được biết đến ở các quốc  gia vùng Viễn Đông như Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng tại Việt Nam nó trở thành một nghệ thuật và được phát triển hoàn chỉnh trong thập kỷ 80. Phương pháp « Diện Châm ” kỳ diệu này bắt nguồn từ  một kỹ thuật được phát triển bởi Giáo sư Bùi Quốc Châu và một nhóm các bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, và nhà châm cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà ông đã đặt tên “Diện chẩn”

    Chắc hẳn có bạn chê tôi là dẫn quá dài. Nhưng đó chỉ là phần rất nhỏ trong hảng nghìn cảm nghĩ của những người đã từng được ông Bùi Quốc Châu chữa bệnh.

    Con người sinh ra vốn trắng tay nên để sống còn nó buộc phải tằn tiện. Lời khen với đồng loại có lẽ là thứ phải tằn tiện hơn cả vì họ hiểu rằng, cũng như tiền, càng in nhiều càng mất giá. Vì vậy có thể yên tâm mà tin rằng những lời trên là những đồng tiền thật. Tự chúng nói lên tất cả, chẳng cần những lời bình tán vụng về.

    2. Đường đến Việt y đạo

    Bùi Quốc Châu sinh năm Nhâm Ngọ, có lẽ là năm tốt. Thời sinh viên ngành Triết của Văn khoa Sài Gòn, chàng trai trẻ mê triết Đông, đặc biệt những bài giảng về Việt Nho, Đạo Việt An Vi của Thầy Kim Định. Anh cũng mê y học phương Đông nên từ năm 1964 tìm tới học với lão danh y Lê Văn Kế, rồi Trần Đắc Thưởng, Khương Duy Đạm. Sau giải phóng học với bác sĩ Trương Thìn. Không biết từ bao giờ, Bùi Quốc Châu mang hoài bão lớn: làm được điều gì đó khiến rạng danh dân tộc Việt. Linh tính mách bảo rằng, dường như những lẽ thường hằng “trong Dương có Âm, trong Âm có Dương”, “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” rồi những câu ca nôm na “Trông mặt mà bắt hình dong” và cả những tục ngữ “Miệng làm sao, ngao làm vậy”… ẩn chứa bí mật sâu thẳm của văn hóa phương Đông. Đi sâu khám phá những bí ấn ấy sẽ cho kho tri thức vô tận…

    Sau Giải phóng, Bùi Quốc Châu tham gia Thanh niên xung phong. Từ 1977 anh làm việc ở Trường cai nghiện Bình Triệu. Châm cứu cắt cơn nghiện cho bệnh nhân, Bùi Quốc Châu quan sát hàng ngàn khuôn mặt trong nỗi thống khổ. Rồi lúc nào đó, anh ngộ ra, những cơn đau thể chất thường hiện dấu trên khuôn mặt. Học cách “đọc” những nỗi đau ấy, anh nhận ra mối liên hệ của mỗi vết tàn nhang, vết ban hiện lên trên mặt đều ứng với một bênh tật nào đó sâu trong cơ thể. Mỗi khi lên cơn, con nghiện đau thốn ở đốt xương sống thứ bảy. Đồng thời lúc đó trên sống mũi hiện lên vết ban nhỏ xíu. Một ý tưởng hiện lên trong đầu. Thay vì châm theo phác đồ định sẵn, anh lấy kim châm đúng vào vết ban trên sống mũi. Điều thần diệu xảy ra: lập tức bệnh nhân hết đau và cơn nghiện cũng tắt! Ngày 26.3 của năm 1980 và người bệnh có tên Trần Văn Sáu trở thành cột mốc lịch sử của một sự nghiệp lớn. Lặp lại nhiều lần, Bùi Quốc Châu đặt tên đó là huyệt số 1. Rồi cứ theo con đường như thế, những huyệt mới được phát hiện. Những quy luật của tự nhiên được Bùi Quốc Châu vận dụng vào công việc của mình. Từ đồng thanh tương ứng anh tìm ra những bộ phận cùng tên trên cơ thể quan hệ với nhau: Cổ có mối liên hệ chặt chẽ với cổ tay, cổ chân. Đầu có liên hệ với đầu ngón tay, đầu ngón chân… Cũng từ đó phát hiện đồng hình tương tụ: sống mũi thể hiện sống lưng. Ổ mắt, vành mày vừa là cánh tay đặt ngang vừa là tinh hoàn, buồng trứng. …Từ đây anh phát hiện ra quy luật phản chiếu của các bộ phận cơ thể trên khuôn mặt. Một phương pháp chữa bệnh mới ra đời: Diện chẩn-Điều khiển liệu pháp.

    Nhưng ngay đấy, Bùi Quốc Châu gặp lực cản đầu tiên. Người bác sĩ của trường phản đối vì cách chữa trị này không có trong quy định. May mà lúc đó thủ trưởng của anh, một cán bộ từ rừng ra, không quá nệ các quy định, đã ủng hộ anh: cách chữa nào cũng được, miễn là khỏi bệnh !

    Tìm ra bí quyết chữa bệnh mới nhưng Bùi Quốc Châu không giữ làm của riêng mà ngay đấy anh vận động nhà tài trở giúp anh mở lớp học truyền bá phương pháp mới. Bị thu hút bới thực tế chữa trị, nhiều người trong đó có bác sĩ Đông y và cả Tây y đến học với anh và cùng anh nghiên cứu tiếp. Tiếng tăm chữa bệnh không dùng thuốc của Bùi Quốc Châu truyền khắp thành phố. Để “trọng dụng người tài”, tổ chức điều anh về công tác ở Bệnh viện y học dân tộc. Chỉ ít ngày sau, Bùi Quốc Châu thấy mối nguy: lạc vào chỗ không phải chuyên môn của mình, anh bị vô hiệu hóa. Không còn cách nào khác, anh bỏ ra ngoài lập cơ sở chữa bệnh riêng và tiếp tục dạy nghề. Lập tức anh lâm vào cuộc “chiến tranh” không cân sức: người ta dùng tổ chức ép anh trở lại công tác. Ép không xong thì dùng biện pháp hành chính: dùng luật phạt anh “chữa bệnh không được phép”. Nhưng những người nhiệt tâm bảo vệ anh cũng không chịu ngồi yên. Việc của anh được đưa lên cấp cao nhất thành phố: Anh được bố trí hai buổi báo cáo trước Chủ tịch Võ Văn Kiệt rồi Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Kiệt nói: “Diện chẩn-diện châm” là một sáng tạo về y học của dân tộc Việt nam.” Tiếp theo, ông chỉ đạo cho các ban ngành liên quan ủng hộ và tạo điều kiện cho tác giả nghiên cứu ứng dụng phương pháp này. Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng hoàn toàn ủng hộ. Nhờ vậy, Bùi Quốc Châu được tiếp tục hành nghề.

    Mới đầu nhìn vào hơn 500 huyệt được đánh dấu trên hình mặt người, rồi hàng chục “đồ hình”, tôi không khỏi hoa mắt. Một ý nghĩ tự đến: “Phải chăng tác giả được một cao nhân truyền cho rồi từ đó phát triển lên?” Người bạn tôi thì ngỡ ngàng: “Có lẽ do một bậc từ thế giới siêu nhân mách bảo?” Nhưng đó thực sự lá sản phẩm của Bùi Quốc Châu. Như nhà khoa học thực thụ, anh lưu giữ đầy đủ ngày tháng cùng hoàn cảnh phát hiện của mỗi huyệt. Có thể nói thế này: văn hóa Việt cho Bùi Quốc Châu tâm hồn, linh cảm, phương pháp tư duy, còn sáng tạo cụ thể hoàn toàn là của anh. Tiếp xúc rồi đọc sách của Bùi Quốc Châu, tôi nhận ra anh hiểu rất sâu lĩnh vực của mình. Anh lý giải từng sự kiện, từng hiện tượng với sự minh triết của một nhà thông thái. Tôi hiểu, chuyện “động trời” thế này không thể là việc bỗng dưng “vớ được” của một tay mơ !

    Theo phương châm “học không mỏi, dạy không mỏi” của người Thầy lớn Khổng Tử, trong khi chữa trị cho hàng vạn bệnh nhân và đào tạo hàng ngàn môn sinh, Bùi Quốc Châu luôn luôn học hỏi và sáng tạo. Từ huyệt đầu tiên khám phá ra năm 1980, đến nay đã hơn 500 huyệt được anh phát hiện. Cùng với huyệt là gần 100 đồ hình thể hiện mối tương quan giữa mặt và các bộ phận cơ thể được khám phá. Căn cứ vào sinh huyệt và đồ hình của Thầy Châu, học trò của anh không những được hướng dẫn tỷ mỷ cách chữa từng bệnh cụ thể mà còn tự mình sáng tạo những phác đồ chữa trị mới, làm phong phú thêm kho kinh nghiệm chung. Bùi Quốc Châu còn khám phá nhiều phương pháp trị bệnh khác như Âm Dương khí công, Ẩm thực dưỡng sinh, Thể dục tự ý, Thai giáo Việt Nam và Ngừa thai.

    Với toàn bộ sáng tạo của mình, Bùi Quốc Châu vươn tới mục tiêu lớn: sáng lập trường phái y học riêng của dân tộc Việt, là Việt y đạo. Đó là nền y học độc đáo: “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc, biến người bệnh thành người chữa bệnh.” Một trường phái y học kỳ diệu ra đời: người bệnh trở thành thày thuốc tự chữa bệnh cho mình, chỉ bằng những dụng cụ đơn giản rẻ tiền, không cần thuốc.

    Mục tiêu như vậy không mới vì đó là mơ ước truyền đời của nhân loại chịu nhiều khổ đau vì bệnh tật. Nhưng cho tới nay vẫn chỉ là mơ ước như trong truyện thần tiên. Nhưng hôm nay, cơ sở lý thuyết cũng như cơ sở vật chất hiện thực để đạt được mơ ước đó đã được Bùi Quốc Châu cống hiến. Anh Bùi Quốc Châu cho biết, trong một dự báo tương lai trước ngưỡng thế kỷ XXI, người ta cho rằng, phải 150 năm nữa, con người mới biết cách tự chữa bệnh cho mình. Như vậy, với Việt y đạo, Bùi Quốc Châu đã đưa Việt Nam đi trước nhân loại 150 năm.
    Con người vốn khôn ngoan đã theo nhiều con đường tiếp thu phát kiến của Bùi Quốc Châu. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay trong cả nước, 25 tỉnh thành có Câu lạc bộ dưỡng sinh hoạt động theo trường phái Bùi Quốc Châu. Hàng trăm ngàn người đã được chữa bệnh, hàng vạn “thày lang” Diện chẩn được đào tạo, nhiều cơ sở chữa bệnh bằng Diện chẩn đang hoạt động. Không chỉ thế, tại hơn 20 nước trên thế giới như Cu Ba, Pháp, Đức, Mỹ, Đài Loan, Lào… những trung tâm Diện chẩn hoạt động công khai. Tại Mexico, những bệnh nhân chữa trị bằng Diện chẩn được bảo hiểm hoàn lại tiền…

    3. Việt y đạo tới đâu?

    Có sự thực là, việc chữa bệnh bằng Diện chẩn từ hơn 20 năm nay đã là «chuyện thường ngày ở xóm ». Người dân ít học nhất cũng biết rằng, cách chữa này khỏi được một số bệnh, không gây đau đớn nguy hiểm và không tốn tiền thuốc. Cũng từ nhiều năm nay, Diện chẩn cứu được không ít người bị bệnh viện trả về nằm chờ chết. Sự khỏi bệnh của họ nghe như thần thoại. Cũng có sự thực là Diện chẩn trở thành hy vọng chữa trị duy nhất của không ít người nghèo không có tiền vào bệnh viện.

    Nhưng cũng có sự thực là, mặc dù được những vị lãnh đạo quốc gia như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiết hết lòng ủng hộ và hai đời Bộ trưởng Y tế quan tâm giúp đỡ… thì Diện chẩn vẫn không được thừa nhận, vẫn là đứa con hoang, sống «chui» trong dân gian, bên ngoài luật pháp! Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Y tế đến lập biến bản, đình chỉ hoạt động rồi phạt vạ cơ sở Diện chẩn của lương y Trần Dũng Thắng vốn tồn tại hơn 10 năm trước.

    Tôi nhớ lại, sau năm 1954, ở làng tôi có ông thày lang nhiều đời bốc thuốc trị bệnh cho dân chúng cả vùng. Cán bộ chính quyền đến bảo là chữa trị như vây không khoa học, phải cấm theo lệnh trên. Dao cầu, thuyền tán bị tịch thu. Từ đó, mỗi khi ốm đau, dân phải lên bệnh viện huyện hơn chục cây số. Ít năm sau, do yêu cầu của dân, ông lang lén làm nghề lại. Lâu lâu bị săn đuổi, nộp phạt. Rồi tới lúc, con ông lang được hành nghề, với danh nghĩa « y học dân  tộc ». Đó là số phận của Đông y ở nước ta một thời non dại. Do chủ quan, mệnh lệnh mà không cần bất cứ nghiên cứu nào, chúng ta áp đặt cho những phương pháp chữa bệnh dân gian cổ truyền là « không khoa học » thậm chí « mê tín dị đoan » rồi thẳng tay cấm đoán. Chúng ta không biết rằng, tổ tiên ta đã sáng tạo nền văn minh nông nghiệp sớm và rực rỡ nhất của nhân loại. Nền văn hóa chúng ta hưởng hiện nay một phần do tổ tiên truyền lại. Sai lầm là ta đã không biết trân trọng vốn cổ đó mà lại áp đặt những tiêu chí « khoa học » nước ngoài rồi vùi dập bằng mệnh lệnh áp đặt ! Biết bao vốn quý mất đi, biết bao nhân tài dân gian thui chột ?!

    Có một điều không sao hiểu nổi, trên khẩu hiệu chúng ta nói cửa miệng «nhân tài là nguyên khí quốc gia » rồi không ít nghị quyết về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Nhưng trên thực tế, một thiên tài trước mắt như Bùi Quốc Châu lại không được tôn trọng. Chúng ta ngưỡng vọng về Hải Thượng Lãn Ông. Điều đó là đúng để vinh danh một vị y sư có y đức cao và cách chữa trị hay. Xin lỗi, mọi so sánh đều khập khễnh, nhưng so với Lê Hữu Trác, công trình của Bùi Quốc Châu tầm cỡ hơn nhiều, không chỉ tầm Việt Nam, Á Đông mà tầm nhân loại! Phải nói rằng, công trình Bùi Quốc Châu là sự cứu nhân độ thế. Một trí thức Việt kiều ở Pháp 50 năm về thăm nước nói với tôi : « Nước mình phải sớm công nhận Bùi Quốc Châu, biến công trình của ông thành quốc sách, giúp cho dân biết tự chựa bệnh, sống hạnh phúc hơn. Chúng ta còn có bổn phận mang Việt y đạo sang các nước nghèo Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh giúp dân các nước đó chống lại bệnh tật để thế giới biết rằng, sau chiến thắng đế quốc Mỹ, người Việt Nam chiến thắng nghèo đói, bệnh tật như thế nào ? Nếu Việt Nam có được giải Nobel y học thì trước hết phải là công trình này.» Tôi hiểu, đó cũng là hy vọng của rất nhiều người.

    Tp Hồ Chí Minh, 10. 2008

    Hà Văn Thùy 

    (Trính : http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9877)

    5/5 - (2 bình chọn)