TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

20 THUYẾT CĂN BẢN CỦA DIỆN CHẨN ĐIỀU KHIỂN LIỆU PHÁP

    THUYẾT CĂN BẢN CỦA DIỆN CHẨN ĐIỀU KHIỂN LIỆU PHÁP

    Điều Khiển Liệu Pháp là phương pháp PHÒNG và TRỊ BỆNH bằng cách tác động với nhiều hình thức khác nhau (châm, chích, lể, hơ nóng, chườm nóng, chườm lạnh, xoa, day, dán cao, bấm, ấn, vuốt, bôi dầu, xung điện, v.v…) vào những Vùng và Phạm Vi Bộ Mặt. Vì bộ mặt nằm trong phạm vi đầu não, và vì những huyệt trên mặt có tính cách điều khiển các bộ phận trong cơ thể (giúp cơ thể điều chỉnh từ cơ quan đầu não), nên phương pháp này gọi là Điều Khiển Liệu Pháp.

    Nếu xét trên lý thuyết Điều khiển và Thông Tin Sinh Vật học, thì mỗi huyệt trên Mặt là một trạm thu, phát, thông tin của cơ thể; đồng thời cũng là nơi để tự Điều Chỉnh, Xử Lý thông tin. Có thể nói mỗi huyệt vừa là một bộ phận Nhận – Phát thông tin, vừa là một bộ phận Điều Chỉnh thông tin.

    1.THUYẾT PHẢN CHIẾU:

    Nguyên lý phản chiếu cho rằng, con người với vũ trụ là một thế thống nhất (Vạn vật đồng nhất thể) Do đó, con người được xem là một tiểu vũ trụ, là hình ảnh phản chiếu của vũ trụ (nhân thân tiểu thiên địa) Trong con người, mỗi bộ phận đặc thù (đầu, mình, mặt, mũi tay chân…) đều phản chiếu lại cái tổng thể, mà trong đó mặt là tấm gương ( gương mặt) trên đó phản chiếu những cơ quan thuộc nội tạng và ngoại vi của cơ thể con người. Như vậy, khuôn mặt cũng là một bộ phận tiêu biểu, đại diện cho cơ thể và nhân cách con người (Mất mặt đồng nghĩa với mất thể diện, mất danh dự) Vì vậy, mọi biểu hiện tâm sinh lý, bệnh lý, tình cảm, tính cách của con người đều biểu lộ, phản chiếu nơi khuôn mặt. Bộ mặt có vai trò như tấm gương và không những thể, còn ghi nhận một cách có hệ thống, có chọn lọc những gì thuộc phạm vi con người ở trạng thái Tĩnh và Động.

    Thuyết này được vận dụng vào Diện Chẩn như sau: Mỗi huyệt trên mặt là một điểm phản chiếu của một hay nhiều huyệt trong cơ thể tương ứng với nó. Ví dụ: huyệt số 8 vừa là phản chiếu của huyệt Thần Đạo, vừa là phản chiếu của huyệt Á Môn, vừa là phản chiếu của huyệt Chiên Trung, huyệt 26 vừa là phản chiếu của huyệt Đại Chùy, vừa là phản chiếu của huyệt Não Hộ.

    2.THUYẾT BIỂU HIỆN

    a. Không gian:

    Những gì bên trong sẽ hiện ra bên ngoài, bên dưới sẽ hiện lên bên trên.

    b. Thời gian:

    – Những gì sắp xảy ra được báo trước.

    – Những gì đã xảy ra đều lưu lại dấu vết.

    – Những gì đang xảy ra đều được biểu hiện

    c. Những biểu hiện này (xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau) được thể hiện trên mặt một cách có hệ thống và có chọn lọc, được gọi là biểu hiện bệnh lý (hay thông tin bệnh lý). Chúng có tính chất hai chiều thuận nghịch và đặc biệt nơi có biểu hiện bệnh lý cũng là nơi điều trị

    Ví dụ : . Ví dụ: Thống điểm hoặc tàn nhang nơi mặt là dấu hiệu chẩn đoán đồng thời cũng là nơi để chữa bệnh. Ngoài ra mỗi dạng biểu hiện bệnh lý cho mỗi ý nghĩa khác nhau.

    Điển hình như vết tàn nhang nơi mặt là dấu hiệu chẩn đoán cũng là nơi tác động để trị liệu.

    3. THUYẾT PHẢN HIỆN :

    Ngược lại với thuyết Biểu hiện, là thuyết Phản hiện

    Theo luật biểu hiện, dấu hiệu báo bệnh xuất hiện tỷ lệ thuận với bệnh trạng hay sự suy kém sức khỏe của cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi có sự phản nghịch ở một số trường hợp: có quá nhiều dấu vết hay điểm báo bệnh so với bệnh trong cơ thể, hoặc có quá ít hay không có dấu hiệu báo bệnh so với bệnh tật đã hoặc đang xảy ra.

    Hiện tượng này được ví như mạng lưới thông tin từ cơ thể lên mặt bị rối loạn hay tắc nghẽn. Các trường hợp này thường ít có giá trị về mặt chẩn đoán hay trị liệu. Ví dụ: có người mang rất nhiều bệnh mà mặt không có một biểu hiện bệnh lý gì đặc biệt cả. Trường hợp này thường khó chẩn đoán và điều trị.

    4.THUYẾT CỤC BỘ

    Khi một cơ quan hay một bộ phận trong cơ thể có sự bất ổn tiềm tàng hay đang thời kỳ diễn tiến thì tại da vùng đó sẽ xuất hiện những dấu hiệu báo bệnh tương ứng. Quy luật này chi phối trên thân thể hơn là bộ mặt. Cần lưu ý là kinh huyệt cũng chịu sự chi phối của luật này.

    Ví dụ : Da vùng gan có tàn nhang đen hay đỏ hoặc tia máu, báo hiệu lá gan có bệnh . Trong phạm vi Diện Chẩn Điều khiển liệu pháp thì mỗi một huyệt trên vùng mặt ngoài tác dụng cho các cơ quan ( ngoại vi hay nội tạng) ở xa trên cơ thể, các huyệt này còn có giá trị cục bộ ( tại chỗ ) và lân cận.

    Trong phạm vi Diện Chẩn, thuyết này có ý nghĩa sau:

    Mỗi huyệt ngoài tác dụng ở xa còn có tác dụng cục bộ (tại chỗ) và lân cận.

    Ví dụ : Huyệt 188 ngoài tác dụng làm giảm đau cổ gáy và hạ huyết áp, còn có tác dụng làm sáng mắt ( vì ở cạnh mắt) Huyệt 180 ngoài tác dụng làm giảm đau ngón tay cái còn làm giảm đau vùng Thái dương ( vì huyệt này nằm trên vùng thái dương).

    Huyệt 61 ngoài tác dụng chống co thắt dạ dày còn làm thông mũi (vì ở đầu trên của viền mũi).

    5. THUYẾT ĐỒNG BỘ :

    Có sự tương ứng về vị trí, số lượng, sắc độ, hình thái và thời kỳ xuất hiện giữa các loại dấu hiệu báo bệnh trên mặt và bên dưới cơ thể. Tuy nhiên đôi khi cũng có ngoại lệ: các dấu hiện báo bệnh chỉ xuất hiện tại một trong hai nơi (hoặc trên mặt hoặc dưới cơ thể) hoặc xuất hiện không đồng thời với nhau và có khi không cùng lúc với bệnh, thậm chí xuất hiện rất xa thời kỳ bệnh tật xảy ra.

    6.THUYẾT BIẾN DẠNG :

    Các dấu hiệu báo bệnh trên mặt không phải là bất biến mà trái lại, có thể thay đổi tính chất, màu sắc và hình thái tuỳ theo thời gian, mức độ, tình trạng hay diễn biến bệnh của từng người.

    Ví dụ : Khi đang có bệnh thì tàn nhang hay vết nám nơi vùng da tương ứng với cơ quan hay bộ phận bị bệnh có màu sậm hay bóng hơn. Bệnh giảm thì nhạt dần. Nhưng vẫn có ngoại lệ như mụt ruồi ở cạnh nhân trung báo bệnh ở noãn sào. Khi hết bệnh hay đã cắt bỏ noãn sào nhưng mụt ruồi vẫn không mất đi.

    7.THUYẾT ĐỒNG ỨNG

    Cho rằng, những gì giống nhau hay tương tự nhau thì có quan hệ với nhau. Cụ thể là những bộ phận có hình dạng giống nhau hay tương tự nhau đều có những tương quan, có thể ảnh hưởng hay tác động lẫn nhau.

    Ví dụ : Sống mũi tương tự sống lưng nên có quan hệ với sống lưng (và ngược lại) hai cánh mũi có hình dạng tương tự như hai mông nên có ảnh hưởng đến mông. Gờ mày có dạng tương tự như cánh tay nên có liên quan đến cánh tay, ụ cằm có hình dạng như bọng đái nên có liên quan đến bọng đái…

    Không những thế, những bộ phận ngoại vi như cánh tay, bàn tay, ngón tay, ngón chân, đầu gối… cũng có những hình dạng tương tự như một số bộ phận nội tạng, như bàn tay nắm lại với ngón cái giơ lên đồng ứng với trái tim, bàn tay đặt úp đồng ứng với lá mía, hai bàn tay úp lại đặt sát vào nhau lại đồng ứng với não bộ nhìn từ bên dưới…

    Tác giả tìm ra thuyết này từ câu : «Đồng Thanh tương ứng, đồng khí tương cầu » trong Kinh Dịch, hay quan niệm « ăn gì bổ nấy » trong dân gian, cho rằng ăn tim heo chưng cách thuỷ với Châu sa, thần sa có tác dụng làm cho tim hết hồi hộp, ăn bồ dục (quả cật) heo hầm với đậu đen để trị đau lưng (liên quan đến quả thận của người) … Từ điều này, tác giả đã tìm ra hàng loạt bộ phận có liên quan, đồng ứng một cách có hệ thống trên cơ thể con người.

    Hệ luận 1 : Thuyết Đồng hình tương tụ :

    Những gì có hình dạng tương tự nhau thì có liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau. Ví dụ : Cánh mũi có hình dáng tương tự mông, do đó có liên hệ đến mông – Sống mũi có hình dáng tương tự sống lưng do đó có liên hệ đến sống lưng.

    Hệ luận 2 : Thuyết Đồng Tính Tương liên :

    Những gì có tính chất tương tự nhau thì có liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau, tăng cường hay hoá giải ( Tình trạng đau/khoẻ) nhau. Ví dụ : Huyệt số 106 và 08 có tác dụng tương tự do đó có thể hỗ trợ hay khắc chế nhau.

    8. THUYẾT GIAO THOA :

    Thông thường thì các dấu hiệu chẩn đoán hiện ra ở cùng một bên với cơ quan hay bộ phận bị bệnh. Ví dụ : Gờ mày bên mặt bệnh nhân có dấu báo bệnh thì cánh tay mặt của bệnh nhân bị đau ( vì gờ mày liên hệ với cánh tay) . Nhưng có một số các dấu hiệu báo bệnh ở vùng mắt, tay chân, buồng trứng và mông của đồ hình phản chiếu trên mặt thỉnh thoảng lại có tính giao thoa đối với một số bệnh nhân.

    Hiện tượng này cũng thấy xảy ra đối với các huyệt ở các vùng và bộ phận nói trên. Trong trường hợp này thường có sự gia tăng mức độ nhạy cảm nơi huyệt hoặc tình trạng bệnh.

    Ví dụ : Chân mày bên mặt có dấu tàn nhang thì cánh tay bên trái có bệnh, hay ở bệnh nhân phái nữ thì bên mặt nhân trung có tàn nhang nghĩa là buồng trứng bên trái có bệnh. Dấu hiệu giao thoa cho thấy đây là một triệu chứng bệnh khá năng.

    9. THUYẾT THÍCH NGHI

    Não luôn thích nghi với những động tác, dụng cụ, âm thanh, màu sắc giống nhau và được lập đi lập lại nhiều lần giống nhau. Sự kiện này thường được gọi là “lờn”, như: lờn thuốc, lờn lăn, lờn gõ…

    10. THUYẾT GIÁN CÁCH KHÔNG GIAN & THỜI GIAN

    Theo qui luật của vũ trụ, giữa mọi vật – từ cực nhỏ đến cực lớn – đều phải có khoảng trống, gọi là GIÁN CÁCH. Ví dụ: Giữa các tế bào, giữa các nguyên tử đều có khoảng cách chứ không thể cái này dính liền với cái kia được.

    Trong vũ trụ bao la cũng có phần gián cách, khoảng cách nhất định giữa các hành tinh, định tinh; giữa các thiên hà cũng thế. Đó là về không gian.

    Về thời gian cũng thế, bao giờ cũng có khoảng cách giữa các đại lượng vật chất, các hiện tượng, các chuyển động… thì vũ trụ và cuộc sống mới diễn ra bình thường, tốt đẹp. Ví dụ: trong lời nói, giọng hát, tiếng nhạc của chúng ta và trong các vận động, sinh hoạt của muôn loài đều phải có những quãng nghỉ lấy hơi, nhịp lặng, khoảng trống thì người khác mới nghe được, cảm thụ được, trong khi các âm tiết phát ra liên tục, các nốt nhạc dính chùm thì rất không thể hoặc rất nghe rõ nên không có giá trị gì cả.

    Tính gián cách về không gian và thời gian là qui luật có mặt trong toàn thể vạn vật, vũ trụ và cũng là điều kiện cơ bản để vạn vật tồn tại và phát triển.

    Trên đây là 10 thuyết cơ bản của Diện Chẩn. Để đạt kết quả tốt trên lâm sàng, ngoài việc tìm hiểu các thuyết, người áp dụng phương pháp này còn phải linh động vận dụng một cách sáng tạo tùy từng ca bệnh.

    11. THUYẾT ĐỒNG BỘ THỐNG ĐIỂM:

    Khi trong cơ thể có sự bất ổn đang xảy ra tại một cơ quan, một bộ phận nào đó thì ngoài những triệu chứng như cảm giác đau tại chỗ (cục bộ) còn xuất hiện một hay nhiều chỗ đau tương ứng (đồng bộ thống điểm) tại vùng phản chiếu của nó ở trên mặt. Cảm giác đau (hoặc thốn, cộm, mỏi, tức, nhói, tê, nhức, nóng, rát) và số điểm đau tỷ lệ thuận với mức độ và tình trạng của bệnh chứng đang xảy ra.

    Điều này cũng có nghĩa là khi bệnh giảm thì số điểm đau và cảm giác đau cũng giảm theo, và khi hết bệnh thì số điểm đau và cảm giác đau (tương ứng trên mặt) sẽ không còn nữa. Hiện tượng này thường thấy nhiều ở các bệnh có tiên lượng tốt. Thật ra cảm giác đau xuất hiện đồng bộ với bệnh đang xảy ra trong cơ thể chỉ là một trong những biểu hiện của bệnh lý. Trên thực tế có nhiều dạng biểu hiện khác thường hay bất thường xuất hiện đồng bộ với bệnh đang xảy ra. Tất cả đều có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.

    12.THUYẾT BẤT THỐNG ĐIỂM:

    Đây là một thuyết bổ sung cho thuyết trên: khi một cơ quan hay bộ phận nào trong cơ thể có bệnh thì nơi vùng tương ứng với nó trên mặt sẽ xuất hiện một hay nhiều điểm không đau (gọi là Bất thống điểm) hoặc ít có cảm giác đau so với điểm bên cạnh.

    Đặc biệt những điểm không đau này thường nằm trong vùng đau tương ứng (phản chiếu) với bộ phận có bệnh trong cơ thể (Dương trung hữu Âm, Âm trung hữu Dương). Châm vào những điểm không đau sẽ đạt kết quả trên lâm sàng đôi khi tốt hơn là châm vào những điểm đau. Điều này thường tỷ lệ thuận với mức độ và tình trạng bệnh nghĩa là bệnh giảm thì số điểm không đau cũng giảm theo và cho đến khi hết bệnh thì sẽ không còn thấy hiện tượng bất thống điểm nữa.

    Thuyết này cũng như thuyết đồng bộ thống điểm có giá trị đối với các huyệt trên toàn bộ cơ thể.

    13.THUYẾT THÁI CỰC:

    Vận dụng thuyết phản chiếu, chúng tôi thấy bộ mặt còn là nơi phản chiếu của Thái cực. Ở đây nó được thể hiện như sau:

    Thái cực sinh lưỡng nghi: Âm, Dương.
    Lưỡng nghi sinh tứ tượng: Thiếu Dương, Thái Dương, Thiếu Âm, Thái Âm.
    Bên trên thuộc Dương (+), bên dưới thuộc Âm (-), từ dưới lên trên thuộc Dương, từ trên xuống dưới thuộc Âm.
    Bên phải thuộc Dương, bên trái thuộc Âm, từ trái qua phải thuộc Dương, từ phải qua trái thuộc Âm.
    Từ ngoài vào trong thuộc Dương, từ trong ra ngoài thuộc Âm – Chiều thẳng đứng thuộc Dương, chiều nằm ngang thuộc Âm.
    Âm Dương đối xứng nhau qua một trục hay một trung điểm trung tính, phi âm phi dương.
    Âm Dương vừa có tính đối kháng vừa phụ trợ nhau.
    Âm Dương ở khắp mọi nơi. Nơi nào có Âm tất có Dương hoặc ngược lại.
    Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.
    Âm Dương biến hóa tùy sự thay đổi của không gian và thời gian.
    Cực Âm sinh Dương, cực Dương sinh Âm.
    Dương tụ, Âm tán: Âm hàm Dương; Âm tụ, Dương tán: Dương hàm Âm.
    Cô Dương bất sinh, độc Âm bất trưởng.

    14. THUYẾT PHẢN PHỤC:

    “Vật cực tắc phản”: Cực Âm sinh Dương, cực Dương sinh Âm.

    Tùy theo tình trạng bệnh lý, mỗi huyệt thích nghi với một tần số, cường độ và thời gian kích thích nhất định. Nếu vượt quá giới hạn đó sẽ phản tác dụng hoặc đôi khi không còn tác dụng nữa. (Quá trình tự điều chỉnh này được biểu diễn bằng một chu kỳ hình sin với biên độ hẹp dần cho tới khi triệt tiêu, tương ứng với cảm giác “trơ” sau khi lưu kim quá lâu).

    Điều này cũng có nghĩa là chưa đạt được mức nhất định nói trên thì kết quả sẽ không được trọn vẹn.

    Lưu ý: Quá trình tự điều chỉnh vừa mô tả trên chỉ xảy ra đúng với lý thuyết khi được kích thích một lần và sau đó để yên kim cho đến khi có cảm giác ngứa, báo hiệu sự chấm dứt chu kỳ điều chỉnh. Nếu hết giai đoạn này ta lại kích thích lần thứ nhì thì sẽ lại xảy ra một chu kỳ điều chỉnh mới như trên (mỗi lần kích thích gây ra một cung phản xạ mới). Do đó sẽ có hai trường hợp: một là sự kích thích liên tục ngay từ đầu sẽ có tác dụng rút ngắn chu kỳ điều chỉnh; hai là sự lưu kim qua nhiều chu kỳ điều chỉnh trọn vẹn sẽ đem lại kết quả trị liệu lâu bền hơn.

    Tóm lại, mỗi huyệt có một định mức về thời gian, tần số và cường độ kích thích tương ứng với bệnh. Thuyết này có giá trị đối với các hình thức tác động bởi huyệt như châm kim, điện châm, dán cao, nhưng rõ nét nhất là hình thức châm kim.

    15. THUYẾT ĐỐI XỨNG:

    Một số huyệt trong cơ thể, nhất là trên mặt, có tính đối xứng ở nhiều chiều không gian. Có 3 trục đối xứng quan trọng trên mặt: trục dọc giữa mặt (tuyến O), trục ngang qua huyệt 8 (tuyến 5) và trục ngang qua huyệt 26 (tuyến 4).

    Có hai tâm đối xứng quan trọng trên mặt: huyệt 26 và 19. Những huyệt hoặc bộ phận đối xứng nhau thì có tính tương tự hoặc đối kháng nhau, do đó có thể tăng cường hay hóa giải nhau. Ví dụ: huyệt 106 đối xứng với huyệt 8 qua huyệt 26 (xem trang 162-163, hoặc 253, 213). Hai huyệt này có tính tương tự nhau, nhưng cũng có tính đối kháng nên có thể hóa giải nhau khi được tác động đúng lúc.

    16. THUYẾT “BÌNH THÔNG NHAU”:

    Giữa người chữa bệnh và bệnh nhân có mối quan hệ kiểu “bình thông nhau”. Mối quan hệ này bị chi phối bởi luật tương thông, tương tác và phản hồi.

    Trường hợp này thường xảy ra ở phạm vi điều trị bằng châm cứu hay án ma (xoa bóp) hơn là bằng thuốc. Ví dụ: người thầy châm cứu sẽ mắc phải đúng bệnh của bệnh nhân mà mình chữa (nhất là khi người chữa bệnh kém sức khỏe hơn người bệnh): bệnh nhân đau đầu, thầy thuốc sau khi chữa cũng đau đầu hoặc bệnh nhân đau nhức cánh tay nào, thầy thuốc cũng đau nhức cánh tay ấy giống như bệnh nhân.

    17. THUYẾT “NƯỚC CHẢY VỀ CHỖ TRŨNG”

    Mỗi huyệt trên mặt khi bị tác động sẽ chuyển “khí” về nơi cơ quan hay bộ phận đang có bệnh chứ không chuyển về nơi không có bệnh. Bệnh nặng đường dẫn truyền càng rõ nét, khi bệnh giảm thì đường truyền dẫn kém đi. Và khi hết bệnh thì khí sẽ không dẫn đến nữa. Hiện tượng này tương tự nước chỉ chảy vào chỗ trũng đang thiếu nước chứ không chảy vào nơi đang đầy nước. Thuyết này cũng giải thích tại sao cùng một huyệt mà khi thì dẫn truyền ra cánh tay khi thì dẫn truyền ra lưng (ví dụ: huyệt số 01). Đó là tùy trường hợp bệnh nhân đang bị bệnh ở đâu. Tuy nhiên ta cũng nên biết là một huyệt chỉ liên hệ một số bộ phận hoặc một bộ phận mà thôi.

    18. THUYẾT SINH KHẮC:

    Có sự sinh khắc giữa các huyệt trên mặt. Sự sinh khắc này là tương đối và phần lớn tùy thuộc vào chu kỳ khí lực giữa các huyệt với nhau trong một thời điểm nhất định nào đó. Ví dụ: huyệt số 26 khắc với huyệt số 06. Huyệt 34 sinh huyệt 124. Nghĩa là hai huyệt 124 và 34 khi đi chung nhau sẽ phát huy tác dụng lớn hơn là đi với huyệt khác. Ngoài ra cũng có sự sinh khắc giữa bệnh và cơ thể. Ví dụ: huyệt 127 khắc bệnh tiêu chảy do lạnh bụng. Huyệt 26 giải rượu, giải độc. Có nghĩa là dùng các huyệt trên để trị các bệnh trên.

    Thuyết này có giá trị trong Diện Chẩn: có sự sinh hay khắc giữa các dấu hiệu báo bệnh tùy theo màu sắc, thứ loại và vị trí của chúng đối với nhau. Cũng thế, có sự sinh khắc giữa các dấu hiệu chẩn đoán và tình trạng bệnh lý. Ví dụ: bệnh nặng gặp chứng nấc cục hay sưng chân thì khó tránh khỏi tử vong. Hoặc vùng má thuộc phế (sắc trắng) tự nhiên hiện ra sắc hồng (thuộc hỏa) thì có nghĩa là phổi đang có bệnh vì Hỏa khắc Kim. Hay gò má thuộc Tâm (sắc đỏ) tự nhiên có màu xanh đen (thuộc Thủy) thì tim có bệnh vì Thủy khắc Hỏa…

    19. THUYẾT CẤU TRÚC LƯỚI

    Toàn cơ thể được bao bọc bởi một hệ thống mao mạch (chứa máu đỏ thuộc hệ tuần hoàn, máu trắng bên hệ bạch huyết hay nơ-ron thần kinh thuộc hệ thần kinh) rất tinh vi, dày đăc. Chính hệ thống này đã giúp đem máu đến các cơ quan, bộ phận cơ thể, giúp đưa thông tin lên não và cũng là một mạng lưới thông tin lẫn nhau cho tất cả cơ quan, bộ phận cơ thể. Ví dụ: Một va chạm ở tay sẽ được dẫn truyền bằng mao mạch thần kinh lên não để não tiếp nhận thành cảm giác đau.

    Do đó, cấu trúc này đã giúp chúng ta lý giải được hiện tượng tại sao khi ta tác động lên một điểm, một vùng trên cơ thể lại ảnh hưởng đến một điểm, một vùng hay cùng lúc nhiều điểm, nhiều vùng khác trên cơ thể mặc dầu các điểm, các vùng này không ở chung trong cùng một hệ chức năng của cơ thể theo Tây y và cũng nằm ngoài hệ Kinh lạc của Đông y.

    Nhưng mặt khác, thuyết Cấu trúc lưới rất phù hợp với luật Đồng ứng và luật Phản chiếu của Diện Chẩn. Ví dụ: Trên cơ thể, càm ở vị trí cách xa quả thận, không cùng thuộc hệ bài tiết với thận, cả hai cũng không cùng thuộc một đường kinh lạc nào, nhưng khi ta tác động vào càm sẽ có ảnh hưởng đến thận.

    20.THUYẾT TOÀN DIỆN HAY TOÀN THỂ

    Tất cả các huyệt trên cơ thể đều có liên hệ với nhau. Do đó ta có thể không cần đi sâu vào việc sử dụng duy nhất các phác đồ mà vẫn có cách chữa được bệnh. Đó là dán cao salonpas vào tất cả các sinh huyệt trên mặt, như điển hình là cách chữa Vô Chiêu. Ngoài ra, vì tất cả các cơ quan, bộ phận đều có liên quan với nhau (Tất Cả Là Một /Một Là Tất Cả) nên có nhiều huyệt chỉ chữa được một bệnh, nhưng ngược lại, cũng có nhiều huyệt có thể chữa được nhiều bệnh.

    Nguồn: Sách Diện Chẩn ABC & Giáo Trình Diện Chẩn Căn Bản

    4.8/5 - (19 bình chọn)