CÁC PHƯƠNG PHÁP GIỮ GÌN SỨC KHỎE TRONG DIỆN CHẨN
I. Âm Dương Khí Công :
Hơi thở gắn liền với cuộc sống của mỗi người kể từ lúc mới chào đời. Nói nôm na người còn sống là người chưa tắc thở. Hơi thở có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nuôi sống con người. Chính vì thế từ rất sớm trong lịch sử nhân loại nhiều người đã luyện thở và truyền bá nhiều cách thở nhằm củng cố và bảo vệ sức khỏe chống chọi với bệnh tật như phương pháp Yoga, Thiền trước kia và các phương pháp thở hiện nay. Tuy nhiên nhìn chung con người chỉ biết hít thở 1 cách tự nhiên mà ít chú ý đến việc luyện thở và có cách thở đúng để nâng cao trí lực và thể lực.
Nói đến hơi thở ở đây là nói đến sự luyện thở. Một cách thở mới mà chúng tôi đã tìm tòi sáng tạo và luyện thành công trong nhiều năm qua đó là: Âm Dương Khí Công. Gọi đơn giản là thở Âm Dương. Kinh nghiệm cho thấy thực hiện tốt phương pháp thở Âm Dương Khí Công thì hệ thống thần kinh của con người được điều chỉnh ổn định vững vàng , tăng trí, tăng lực, sáng suốt, minh mẫn. Nếu Yoga và Dưỡng sinh có phương pháp thở động và thở sâu kết hợp với nhiều động tác luyện tập phức tạp thì Âm Dương khí công là phương pháp tĩnh không thở sâu, đưa khí theo ý mình bằng những đường thở Âm và Dương chạy theo hai mạch Nhâm, Đốc có tỷ lệ nhiều hay ít tùy thuộc vào thể trạng mỗi người. Điều đáng chú ý ở đây là việc luyện thở theo phương pháp Âm Dương Khí Công chỉ thực hiện trong thời gian rất ngắn (từ 2-3 phút, tối đa là 5 phút) trong ngày và thở được ở mọi nơi, mọi lúc ở bất kỳ tư thế nào. Một phương pháp thích hợp với thời đại và cho mọi người. Thở đúng là nguyên nhân đầu điên dẫn con người đi đến làm chủ trí tuệ (tinh thần) và thể lực (thể xác) là cái rất cần cho thời đại mới, với cuộc sống nhiều biến động , đầy phức tạp, lo âu và căng thẳng.
II. Ẩm thực liệu pháp ( Ẩm Thực Dưỡng Sinh )
Tất nhiên chỉ có thế không thôi thì chưa đủ điều kiện bảo đảm cho sự sống con người. Yếu tố quan trọng thứ hai sau sự luyện thở là cách ăn uống. Thế giới đã đề cập đến nhiều cách ăn uống và cơ cấu bữa ăn. Nhưng điều quan trọng là hình thành phương pháp ăn uống có nguyên tắc hẳn hoi của từng dân tộc. Nếu hơi thở giúp khí huyết vận hành thông suốt trong cơ thể và làm tăng trí lực thì thức ăn, thức uống tạo ra chất bổ dưỡng tăng cường sức lực nuôi sống cơ thể. Giải quyết tốt hai yếu tố trên về cơ bản con người sẽ làm chủ được bản thân mình và chống được nhiều bênh tật. Vì thế mà cần phải chủ trương ăn ngon, bổ và có cơ cấu bữa ăn hàng ngày thích hợp cho từng đối tượng. Ví như người bênh suyễn thì không được ăn mắm sống, người bị viêm xoang không được ăn cam…
Nếu áp dụng mọt cách nghiêm túc và triệt để về cơ cấu bữa ăn hàng ngày cho từng đối tượng cụ thể thì con người có thể tự phòng và chữa được nhiều chứng bệnh do ăn uống sai lầm mà ra.
III. Diện Chẩn- Điều Khiển Liệu Pháp :
Ngoài việc thở và biết cách ăn uống, một yếu tốt nữa không kém phần quan trọng bảo vệ con người phòng và trị bệnh đó là vận động và vật lý trị liệu, mà ở đây cần nhấn mạnh đến phương pháp Diện Chẩn và một số thủ thuật khác như xoa bóp, Thể dục tự ý. Ở phương Tây, người ta áp dụng một số phương pháp bằng ánh sáng, tắm nước nóng, nước lạnh, tắm bùn, tắm biển, tắm hơi… Còn ở phương Đông thì dùng cách bấm huyệt, xông…Tất cả đều có ý nghĩa thực tế của nó và đã giúp nhiều người khỏi bệnh.
Tuy nhiên đó chưa phải là những phương án tối ưu. Với Diện Chẩn, một phương pháp chẩn bệnh và điều trị vùng mặt và toán thân dưới nhiều hình thức: lăn, cào, gõ , ấn , day huyệt, dán cao , hơ ngải cứu … Được thể nghiệm thành công trong nhiều năm qua , thật sự là một phương pháp mang tính tổng hợp cao của bốn phương pháp: Xoa bóp, chích lể, phản xạ học và châm cứu. Phương pháp này cho phép tìm và trị bệnh cho mình và cho người khác một cách dễ dàng, nhanh chóng, chủ động tập trung vào việc tìm tòi nghiên cứu một diện hẹp (trên vùng đầu mặt) nhưng chữa trị rất hữu hiệu trên diện rộng (toàn thân) vì đầu mặt phản ánh toàn bộ các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người, phù hợp với xu thế mới của thời đại (trị bênh nhanh, ít tốn kém và không dùng thuốc ).
Như vậy trên cơ sở tổng hợp của ba yếu tố: Khí công, Ẩm thực, Diện Chẩn mà hình thành một mô hình trị liệu có thể gọi là tam giác y học mà đỉnh là khí công. Ba yếu tố ấy quyện chặt vào nhau và tác động lẫn nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất vận hành trong mỗi con người, điều chỉnh và nâng cao sức khỏe cho con người.
Nếu ở thế kỷ XX còn nặng về mặt y học hóa học thì thế kỷ XXI sẽ nghiêng về y học vật lý. Hiểu biết ý nghĩa của ba yếu tố trên cũng đồng thời là ba phương pháp tổng hợp dự phòng và trị bệnh cho mỗi con người, thì con người sẽ vươn lên là chủ bản thân, tiến tới là chủ thiên nhiên và làm chủ xã hội. Đó là mục tiêu mà loài người cần đạt được ở thế kỷ sắp tới.
Ngoài ra chúng tôi còn nghĩ được một bộ máy khám và trị bệnh trong gia đình, để giúp cho con người mỗi ngáy tái lập thế cân bằng trong cơ thể của mình, hoặc phát hiện kịp thời và điều trị bệnh ngay lúc chớm phát. Đối với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay của thế giới, việc thiết kế và chế tạo ra một bộ máy như vậy có lẽ không phải là điều viễn tưởng. Ở Thụy Điển người ta đã làm được chiếc mũ khám bệnh. Ở đây ta có thể hình dung máy khám và chữa bệnh gồm một máy tương tự như Tivi hay Computer. Người bệnh ngồi đối diện với màn ảnh rồi bấm nút dò bệnh thì tức khắc vùng đầu mặt của người đó được phản chiếu lên màn ảnh qua những thông số báo bệnh trong cơ thể. Nếu có nhuốm bệnh ở bộ phận nào trong cơ thể thì qua các huyệt vùng đầu, mặt, cổ máy khám sẽ thông báo các hình ảnh và thông số các cơ quan bị bệnh lên màn ảnh.
Khám bệnh xong, máy tự động chuyển qua hệ chữa trị bằng cách phóng tia laser vào các huyệt báo bệnh chẳng hạn. Việc chữa trị tiến hành có kết quả thì màn ảnh báo hiệu cho biết bật đèn xanh và những thông số chỉ sự bình thường, ngược lại chữa trị chưa dứt được bệnh thì báo hiệu bằng đèn đỏ, xem như ngoài khả năng của máy và lúc bấy giờ máy sẽ cho lời hướng dẫn đến các bác sĩ chuyên khoa về bệnh của mình.
Trên đây là định hướng về mô hình y học của thế kỷ XXI. Đó là một mô hình mà theo tôi thể hiện một nền y học, triết học, văn hóa mang tính xã hội (phổ cập và đại chúng). Tiến hành việc phòng và trị bệnh không dùng thuốc bằng nhiều phương pháp kết hợp: luyện thở, ẩm thực và vật lý trị liệu… Trước kia và hiện nay, xã hội loài người luôn cần có thầy thuốc cũng như thuốc để chữa bệnh, hay nói cách khác con người hầu như luôn luôn phải nhờ cậy vào các tác nhân bên ngoài để trị bệnh. Sắp tới, với cách chữa trị theo mô hình y học mới này hay nói nôm na là cách sống theo mô hình sức khỏe thế kỷ XXI, thì bệnh nhân cũng đồng thời là thầy thuốc. Hay nói cách khác mỗi người sẽ là thầy thuốc của chính mình, dĩ nhiên là trong phạm vi các bệnh chứng thông thường, chủ yếu giải quyết các rối loạn chức năng, không phải đối với các bệnh có tổn thương hoặc do tổn thương thực thể gây nên. Tất nhiên thực hiện được điều chúng tôi phác họa – hoàn toàn không đơn giản.
Cần làm thế nào đến thế kỷ XXI, chúng ta xây dựng cho được mạng lưới y tế, tự bản thân tiến hành các biện pháp phòng và trị bệnh một cách hết sức nhanh nhạy, ít tốn kém, chủ động. Đi vào diện nhỏ nhưng kinh tế và hiện tại đồng thời đạt hiệu qủa cao ở diện rộng.
IV. Kết luận:
Y học không phải chỉ để nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh, phòng bệnh, tăng cường sức khỏe kéo dài tuổi thọ mà còn phải làm cho con người biết làm chủ lấy mình, hài hòa với những người xung quanh, với xã hội, còn làm thăng hoa con người ngày càng cao đẹp hơn, gần với Chân- Thiện- Mỹ hơn, hạnh phúc hơn, tự do hơn.
Y học phải giúp con người trở lại với chính mình, hiểu mình làm chủ lấy mình mà lại gần gũi với Thiên nhiên, với tự nhiên hơn. Xa lìa bản thể chạy theo cái mình tạo ra và nô lệ chúng, đó là nền y học trái tự nhiên và sẽ khiến mình đi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát do chính mình tạo ra. Hơn nữa, còn di hại tới nhiều thế hệ sau.
Y học phải giúp con người cao đẹp hơn về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ và tâm hồn phát triển. Ngoài ra nó còn phải làm được nhiệm vụ hoàn thiện con người từ trong trứng nước (bào thai) và những thế hệ kế tiếp về sau, để cho nhân loại ngày càng khỏe mạnh, văn minh hơn, biết thương nhau hơn.
Sau nữa y học phải góp phần vào sự hiểu biết, giao lưu, văn hóa, văn minh giữa các dân tộc với nhau. Với những chủ trương và biện pháp nêu trên về một nền y học mới, thiết nghĩ nếu tổ chức Y tế Thế giới sử dụng nó vào việc thực hiện mục tiêu “SỨC KHỎE CHO MỌI NGƯỜI NĂM 2000” thì rất hay vì hạn chế được việc dùng thuốc rất nhiều và rất chủ động, sẽ nhanh chóng trong việc thực hiện một cách ít tốn kém nhất. Ngoài ra nếu HỘI CHỮ THẬP ĐỎ QUỐC TẾ áp dụng những biện pháp y học vừa nêu trên vào chương trình hoạt động của mình thì rất tốt vì nó giúp cho các hội viên Hội chữ Thập đỏ một cách đắc lực để thực hiện công tác nhân đạo của họ trên toàn Thế giới. Tuy nhiên chúng tôi cần lưu ý độc giả là chủ trương một nền văn hóa Triết học đồng thời cũng mang ý nghĩa xã hội là để nâng cao, bổ sung vào điều chỉnh những khiếm khuyết của nền y học hiện đại chứ không phải là thay thế nó (vì thế nó nằm trong phạm vi của y học bổ sung hoặc y học song song). Vì mỗi nền y học có những mặt tích cực của nó. Cũng như mỗi người đều có quyền có những ý kiến riêng của mình. Phần đánh giá thuộc về quần chúng và thời gian.
Gs.Tskh Bùi Quốc Châu
“Trích trong khoa học và phát triển số 34 tháng 9- 1989”