TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

DIỆN CHẨN HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ VIÊM AMIDAN MẠN TÍNH

chua-viem-amidan-bang-dien-chan-1

    Để dùng phương pháp Dưỡng Sinh Diện Chẩn Bùi Quốc Châu hỗ trợ điều trị viêm Amidan mạn tính hiệu quả chúng ta cần phải hiểu viêm Amidan mạn tính là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt như thế nào để phòng tránh bệnh.

    1. Viêm Amidan mạn tính là gì?

    Amidan là một tổ chức bạch huyết nằm ở phía sau của cổ họng, vị trí giao nhau giữa đường ăn và đường thở, đây chính là cửa ngõ quan trọng bảo vệ đường hô hấp. Amidan có chức năng rất quan trọng là ngăn chặn các loại vi sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm) xâm nhập, tấn công cơ thể. Ngoài ra Amidan cũng giống các tế bào hệ bạch huyết có chức năng tiết ra các kháng thể tự nhiên chống lại sự nhiễm trùng. Viêm Amidan mạn tính (viêm amidan quá phát) là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của amidan khẩu cái. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải viêm Amidan mạn tính tuy nhiên người có sức đề kháng kém, trẻ em và thanh thiếu niên thường mắc bệnh này nhiều hơn.

    chua-viem-amidan-bang-dien-chan-1

    Hình ảnh so sánh một bên Amidan bình thường và một bên bị viêm.

    2. Các nguyên nhân chính dẫn đến viêm amidan như:

    – Virus xâm nhập vào đường hô hấp.
    – Do cơ thể suy giảm sức đề kháng khiến cho vi sinh vật gây bệnh có sẵn ở mũi họng phát triển và gây bệnh.
    – Người bệnh đã và đang bị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác như cúm, sởi, ho gà,…
    – Do nhiễm lạnh: do thời tiết, uống nước lạnh, ăn kem, uống bia lạnh…
    – Do cấu tạo amidan có nhiều khe, hốc nên vi sinh vật gây bệnh dễ dàng trú ẩn và phát triển.
    – Do vệ sinh mũi họng, răng miệng kém.

    3. Triệu chứng :

    Viêm amidan mạn tính khá ít triệu chứng. Có khi không có triệu chứng gì ngoài những đợt tái phát hoặc có triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính: hay sốt vặt, sốt nhẹ về chiều, không ớn lạnh, hoặc không sốt và có thêm các triệu chứng sau:
    – Nổi hạch hốc xương hàm
    – Thể trạng gầy yếu, da xanh, sờ lạnh. Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng.
    – Ho: Chủ yếu là ho khan từng cơn, kéo dài vào buổi sáng khi mới ngủ dậy.
    – Rát họng, khàn tiếng, trẻ em có thể khò khè, ngủ ngáy to.
    – Hơi thở hôi: Đây là triệu chứng của viêm amidan điển hình. Những người bị viêm amidan mạn tính dù có vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày thì hơi thở vẫn có mùi hôi làm cho người tiếp xúc khó chịu.

    4. Diện Chẩn hỗ trợ điều trị viêm Amidan mạn tính như thế nào?

    – Bước 1: Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết ngày 2 lần
    – Bước 2: Dùng lăn đinh lăn vùng amidan (dưới xương hàm) 3 phút mỗi bên, ngày 3 lần, sau đó dùng lăn gai làm tương tự.
    – Bước 3: Hơ ngải vùng amidan 2 bên, và hơ vùng dưới dái tai mỗi bên khoảng 2 phút. Cắt 2 miếng cao salonpas kích thước khoảng 2*2cm dán vào vị trí amidan dưới xương hàm.

    – Bước 4: Day ấn và dán cao bộ huyệt tiêu viêm amidan ngày 2 lần: 106, 26, 188, 12,8, 61,50, 37, 143, 19, 38, 113,127, 138, 14, 275, 277

    chua-viem-amidan-bang-dien-chan-3

    Có thể làm thêm bước 5 nếu đã làm các bước trên mà chưa thấy chuyển biến rõ rệt.
    – Bước 5: Dùng lăn đinh lăn vùng đối xứng amidan sau gáy vừa lăn vừa hơ ngải, sau đó hơ ngải vùng tai và thổi nhẹ cho hơi ngải vào trong tai (vì tai mũi họng có liên quan mật thiết với nhau)

    5. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm Amidan mạn tính?

    – Cần vệ sinh mũi, họng, miệng sạch sẽ hàng ngày.
    – Hạn chế uống nước đá lạnh, ăn kem, bia và các đồ uống có ga lạnh
    – Giữ ấm vùng cổ khi thời tiết lạnh
    – Nếu mắc các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, phổi,…) cần điều trị dứt điểm.
    – Chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt nên ăn nhiều rau củ có chứa các vitamin tăng cường sức đề kháng như vitamin C, vitamin A.

    6. Lưu ý:

    – Với những người không bị dị ứng cao dán salonpas thì có thể day ấn huyệt rồi dán cao, thời gian lưu cao tối thiểu 2h và có thể lưu qua đêm nếu dán buổi tối.
    – Sau khi hơ ngải và dán cao phải kiêng rửa nước ít nhất 1h.
    – Trường hợp viêm Amidan nặng có thể gây ra các biến chứng: áp xe, viêm xoang, viêm phổi hay viêm phế quản,… hoặc thậm chí là viêm khớp, viêm thận thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám xem có chỉ định phải cắt bỏ amidan hay không.

    Trần Hương Diện Chẩn

     

    5/5 - (15 bình chọn)