TẠP CHÍ DIỆN CHẨN

DIỆN CHẨN GIẢM ĐAU

dien-chan-giam-dau-2

    1/ Khái quát về Diện Chẩn:

    Diện Chẩn, tên đầy đủ là Diện Chẩn Điều Khiển Liệu Pháp, do GS TSKH Bùi Quốc Châu phát minh vào năm 1980. Đây là phương pháp có khả năng chẩn – dựa vào dấu hiệu trên da để chẩn đoán cơ thể đang gặp phải vấn đề sức khỏe gì, và có khả năng trị liệu, phục hồi sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật.
    Ưu điểm của phương pháp này là tính đơn giản, dễ dàng thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao đặc biệt đối với những chứng bệnh cấp tính, bệnh mới ở mức độ nhẹ, rối loạn chức năng, viêm nhiễm nhẹ. Và một trong những giá trị rất lớn mà Diện Chẩn mang lại đó là tác dụng giảm đau.
    Đau là một trong những cảm giác đặc biệt của sinh vật sống. Nó thông báo cho não biết các kích thích có hại cho cơ thể để có những đáp ứng lại nhằm bảo vệ và sinh tồn. Khi bị đau ta cần kiểm tra chỗ đau, và đi khám chữa kịp thời. Đau có thể xuất hiện ở mọi nơi trong cơ thể, có thể đau nông, có thể đau sâu, hoặc có những mức độ khác nhau như: nhói, buốt, âm ỉ, đột ngột, tại chỗ hoặc xuyên lan sang chỗ khác… Đau là một triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh.
    Thông thường khi bị đau ta có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sỹ. Nhưng đồng thời với việc uống thuốc, ta cũng có thể sử dụng phương pháp Diện Chẩn để hỗ trợ giảm đau.

    2/ Diện Chẩn giảm đau theo nguyên lý nào?

    -Thứ nhất: Đây là một phương pháp chẩn đoán và trị liệu theo nguyên lý phản xạ thần kinh, nhưng khác với những môn phản xạ học khác (đơn hệ), thì Diện Chẩn là phản xạ đa chiều đa hệ (Multi-Reflexology). Theo cơ chế phản xạ thần kinh thì cảm giác đau cũng là một dạng phản xạ, tín hiệu sẽ xuất phát từ điểm bị đau (gọi là điểm A) theo các dây thần kinh dẫn truyền tới tủy sống và tới não bộ. Vậy khi ta tác động theo cách thích hợp vào các điểm phản xạ (gọi là điểm B) tương ứng với điểm bị đau, sẽ hình thành một cung phản xạ mới, mạnh hơn và lấn át phản xạ đau đang có. Kết quả sẽ làm tín hiệu truyền từ điểm A đến não giảm đi và cơ thể sẽ giảm cảm giác đau, xem [hình 1].

    Hình 1: Minh họa quá trình kích thích, tác động theo nguyên lý Diện Chẩn.

    -Thứ hai: Khi kích thích tác động vào các Huyệt của Diện Chẩn trên mặt một các thích hợp, thì trong não cũng sẽ tiết ra những hormon có tác dụng tương tự thuốc giảm đau Beta Endorphine, kết quả sẽ làm cơ thể cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn và sẽ giảm được cơn đau.
    -Thứ ba: Đối với những trường hợp đau cơ xương khớp (co cơ, căng cứng cơ, giãn dây chằng, bong gân, đau khớp…) thì trong Diện Chẩn có những dụng cụ chuyên dụng để tác động trực tiếp chỗ đau (nếu thấy dễ chịu). Đây là quy tắc tác động tại chỗ, sẽ làm tăng sự lưu thông khí huyết, giải tỏa những điểm tắc nghẽn kết tụ lại qua đó làm giảm đau, hoặc sẽ làm giãn mềm cơ để giảm cơn đau do căng cơ. Đồng thời tăng cường cung cấp máu huyết nuôi dưỡng tế bào bị tổn thương tại vị trí đau, sẽ giúp chỗ đau hồi phục nhanh hơn.

    3/ Những trường hợp có thể sử dụng Diện Chẩn giảm đau:

    – Những chứng bệnh đau do chấn thương nhưng không quá nặng: ngã, va đập, tai nạn dẫn đến bong gân, giãn cơ, bầm tím…
    – Những cơn đau thường gặp trong cuộc sống: đau đầu, đau răng, đau mỏi cơ bắp, đau cổ vai gáy, đau đầu gối, đau lưng, đau mắt, đau dạ dày, đau bụng tiêu chảy… kể cả cấp tính hoặc bệnh mạn tính.

    Những trường hợp không nên sử dụng Diện Chẩn giảm đau:
    – Đau đầu nhưng kèm theo hiện tượng chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, nói khó, cử động khó. Triệu chứng này có thể do cơn tai biến (nhồi máu não, vỡ máu não) hoặc u não. Nên đi cấp cứu ngay.
    – Đau ngực: thường báo hiệu bệnh tim, kèm theo các cơn đau tỏa vào phía trên ngực, họng, hàm, vai, tay trái, hoặc bụng và có thể kèm theo sự buồn nôn. Nếu bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp hay những bệnh về tim mạch, ngay lập tức nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra nhằm biết chắc chắn cơn đau này có liên quan đến bệnh tim hay không.
    – Đau bụng dữ dội: Có thể do viêm ruột thừa cấp, loét dạ dày, viêm tụy cấp. Đối với phụ nữ có thể do chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng, viêm tiết niệu.

    4/ Diện Chẩn giảm đau khác gì so với thuốc giảm đau?

    Như đã nêu trên, nguyên lý giảm đau của Diện Chẩn dựa trên phản xạ thần kinh, do vậy có ưu điểm là tác dụng giảm đau rất nhanh, mà lại không tiêm chọc xâm lấn gì vào cơ thể nên rất an toàn.
    Cơ chế giảm đau của đa số các thuốc giảm đau đều là sử dụng những chất hóa học đưa vào cơ thể, ức chế quá trình phát tín hiệu thông báo cảm giác đau đến cho não bộ, hiểu nôm na là tổn thương vẫn còn, nhưng tín hiệu gửi đi thì bị cắt đứt nên não không cảm nhận được cơn đau; Có một số loại thuốc giảm đau có kèm chống viêm, hạ sốt. Cũng là các hóa chất làm giảm tác nhân gây viêm của vi khuẩn xâm nhập cơ thể, và làm ức chế quá trình tăng nhiệt khiến cho cơ thể giảm đau và hạ sốt.

    5/ Diện Chẩn giảm đau bằng những kỹ thuật nào?

    Sẽ có nhiều kỹ thuật có thể giảm đau trong Diện Chẩn, dựa trên các lý thuyết được GS TSKH Bùi Quốc Châu xây dựng nên.
    – Dùng các dụng cụ để khai thông trực tiếp tại điểm đau và lân cận vùng đau (ví dụ: dùng Lăn Cầu Gai Đôi Lớn để lăn lên vùng bị đau, dùng Cây Búa Lớn để gõ, hoặc Con Nhện Lớn để đẩy, hoặc hơ ấm bằng điếu ngải cứu). Hoặc tác động theo các nguyên lý phản xạ thần kinh như: đối xứng, trước sau, giao thoa, trên dưới.
    – Dùng các kỹ thuật dò tìm Sinh Huyệt (có Ấn Chẩn, Đả Chẩn, Nhiệt Chẩn…) để tác động làm mất Sinh Huyệt, và qua đó sẽ cắt giảm cơn đau.
    – Day, ấn, dán cao, chấm dầu, hơ nóng Định Huyệt để làm giảm viêm, giảm sưng đau đối với những bệnh đau do viêm nhiễm.

    5/5 - (7 bình chọn)